Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp chỉ có giảm giá như “cho không”, bán chịu mới có thể giải quyết hàng tồn, lưu thông hàng hóa.
Nếu chỉ nhìn con số 3,4% tồn kho so với cùng kỳ năm trước, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, điều đó không nói được điều gì. Điều đáng quan tâm là tồn kho thực sự có quy mô bao nhiêu đối với nền kinh tế?
Mang hàng tồn đi…cho?
“Nếu làm ra 10 đồng mà tồn 8 đồng thì dù không tăng so với năm ngoái cũng là đã chết rồi. Dòng tiền của doanh nghiệp (DN) đang tắc, phát sinh nợ xấu, vay ngân hàng để làm gì khi tồn kho tăng cao, nên tín dụng tăng thấp là bình thường. Cốt lõi vấn đề là phải xử lý quy mô tồn kho”, ông Ánh nói.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng bán chịu, bán rẻ là biện pháp giải quyết hàng tồn kho hiệu quả. Ảnh: Như Ý.
|
Để giải quyết hàng tồn, vị này cho rằng, cần giảm giá, nhưng phải giảm như “cho không” để có chỗ cho sản xuất mới. Tuy nhiên, việc xử lý bằng biện pháp chưa có tiền lệ nên rất cần hỗ trợ của các cơ quan chức năng để DN mạnh dạn đưa ra các giải pháp xử lý hàng tồn. Bởi giải quyết hàng tồn kho là giải quyết sự sống còn của DN. Mà đó không chỉ là sống còn trước mắt mà là sống còn lâu dài, vì nó liên quan đến rất nhiều cơ chế chính sách, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.
Không mạo hiểm như đề xuất của ông Ánh, ông Nguyễn Huy Khánh, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Hưng Thịnh, chuyên nhập khẩu xe máy từ thị trường châu Âu, cho rằng nếu bán chịu thì chắc chắn sẽ có người mua. Nhưng nếu khách hàng chây ỳ không thu được tiền thì cũng không làm gì được. Ông Khánh cho rằng, thời điểm này mới là sức mua thật của nền kinh tế.
Tính lại tồn kho BĐS
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị nên xem xét lại chuyện tồn kho với bất động sản (BĐS). Ông Ánh cho rằng, chúng ta chưa dám nhìn thẳng khi cho vay đối với BĐS. Tính đến 30.4 là 150.000 tỷ đồng, nhưng con số của Ủy ban Giám sát tài chính (UBGS) là khoảng 350.000 tỷ đồng. Thế nhưng khi tiếp xúc với DN thì dự phòng rủi ro cho BĐS và chứng khoán là rất lớn. Chỉ riêng hai khoản này đã khiến nhiều DN đang từ lãi sang lỗ, không thể tiếp tục vay hay trả nợ NH.
Điều đáng nói là các NH rất hay bị đổ tội khi tín dụng vay luôn ở mức 20 – 30%/năm. Thế nhưng, nếu nhìn vào DN sẽ thấy đa số DN khi có tiền, có lợi nhuận thì đầu tư chứng khoán, BĐS, còn toàn bộ vốn kinh doanh, sản xuất lại đi vay nên mới tắc tồn kho. Thế nên, phải coi BĐS là một dạng tồn kho và tồn kho bao nhiêu. Phải bóc tách được quy mô đầu tư vào BĐS không chỉ luồng vốn tín dụng đầu tư, mà phải đánh giá bao nhiêu tiền của của nền kinh tế ném vào BĐS.
Đừng ép tăng trưởng tín dụng
Theo mục tiêu ban đầu đặt ra, năm 2012, tổng tín dụng sẽ tăng trưởng 15 – 17%, nhưng đến hết tháng 7, Việt Nam mới chuyển sang tổng tín dụng tăng dương so với năm 2011, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) đã giảm xuống còn khoảng 8 – 10%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, không nên đặt ra mục tiêu đó để giải thích việc cứ phải tăng tín dụng mới tăng trưởng. Quan trọng nhất không chỉ từ giờ đến hết năm 2012 mà có thể vài năm tiếp theo phải ưu tiên mục tiêu tăng chất lượng, hiệu quả tín dụng nói riêng cũng như đầu tư của toàn xã hội trong mục tiêu tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không phải đặt ra cái mục tiêu tính được mà rất dễ xảy ra rủi ro.
Ngoài ra, việc ép TTTD từ 8 – 10% cũng sẽ diễn ra cuộc chạy đua ép lãi suất cho vay xuống. Lúc đó xu thế lạm phát sẽ khó lường. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nếu ban đầu dự báo lạm phát đi xuống và chỉ đi lên vào cuối năm, thì những động thái vừa qua, chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại, ít nhất cũng tương tự những năm gần đây chứ không thể âm.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đất Việt