Tại diễn đàn thép quốc tế tuần trước, Hiệp hội Thép Thế giới nhận định, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2011 và đạt kỷ lục 1,34 tỷ tấn...
Tại diễn đàn thép quốc tế tuần trước, Hiệp hội Thép Thế giới nhận định, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2011 và đạt kỷ lục 1,34 tỷ tấn. Các nền kinh tế đang nổi thuộc nhóm BRIC là Braxin, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc sẽ giữ vai trò điều khiển thị trường.
Sức tiêu thụ hàng hoá tăng tại Trung Quốc sẽ đảm bảo cho nước này tiếp tục giữ vai trò là quốc gia tiêu thụ thép số 1 thế giới trong ít nhất vài năm tới. Ấn Độ sẽ nổi lên là nước tiêu thụ thép lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ vào năm 2011.
“Trung Quốc và Ấn Độ đang được dẫn dắt bởi đầu tư cao, có nghĩa là việc làm, quá trình đô thị hoá, thu nhập khả dụng sẽ tăng lên”, giám đốc phụ trách thương mại và marketing của công ty thép JSW Steel Ltd lớn thứ ba của Ấn Độ nhận xét. “Trong khi đó, ở các nền kinh tế tiên tiến, tiêu thụ thép vẫn là vấn đề lớn bởi tình hình việc làm và nợ nần”, ông nói thêm.
Tiêu thụ thép ở Trung Quốc được các nhà phân tích dự đoán sẽ tăng trưởng 8 – 9% trong năm 2011, lên 650 triệu tấn, trước khi tăng chậm lại trong những năm 2012 – 2015.
Tiêu thụ thép tại Ấn Độ trong khi đó sẽ tăng gấp hơn 2 lần lên 122 triệu tấn vào năm 2015 nhờ đầu tư tăng mạnh và nhu cầu cao trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo Neil Bristow, giám đốc công ty H&W Worldwide Consulting, sự kết hợp của Trung Quốc và Ấn Độ là rất tích cực cho ngành thép toàn cầu. Ông đồng thời cho rằng, sự tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có những tác động mạnh đến thị trường nguyên liệu thô khi nhu cầu than đá và quặng sắt tăng cao.
Về một thành viên khác của nhóm BRIC, công ty sản xuất thép lớn nhất của nga là Severstal dự đoán Nga sẽ tiêu thụ 30 – 32 triệu tấn thép trong năm tới và năm 2015 sẽ là 45 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu tăng trưởng mạnh ở các nền kinh tế đang nổi, nhu cầu tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lại được dự báo ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ trong năm 2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Vinanet