Vietnam Airlines: Dùng “con bài” Jetstar để “đấu” với Vietjet

Cập nhật 05/11/2014 16:32

"Từ 2011, VNA đã tiếp nhận phần vốn nhà nước chuyển giao để có được Hãng hàng không Jetstar Pacific, là sẩn phẩm liên doanh với Jetstar Group để giữ vững và cạnh với hãng hàng không giá rẻ".

"Từ 2011, VNA đã tiếp nhận phần vốn nhà nước chuyển giao để có được Hãng hàng không Jetstar Pacific, là sẩn phẩm liên doanh với Jetstar Group để giữ vững và cạnh với hãng hàng không giá rẻ".

VNA cho biết sẽ dùng Jetstar cho việc cạnh tranh với Vietjet ở phân khúc giá rẻ.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VNA trước thềm đơn vị này sẽ tiến hành IPO vào ngày 14/11 tới.

Tại buổi tiếp xúc, vấn đề kế hoạch khai thác thị trường nội địa của VNA cũng như chiến lược cạnh tranh với Vietjet Air đã được giới đầu tư quan tâm đặt câu hỏi.

Ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, thị trường mở cửa và tự do hóa thì sự lớn mạnh của hãng giá rẻ làm thay đổi bức tranh trong tập quán đi lại về vận tải hàng không, không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới. Điều này ảnh hưởng tới các hãng hàng không truyền thống và VNA không là ngoại lệ.

"Mức độ ngày càng khốc liệt trong môi trường kinh doanh vận tải hàng không được tự do hóa là điều tất yếu trong hàng không. Không có thách thức không vượt qua được mà vấn đề chuẩn bị thế nào, nhất là giữ được cam kết với khách hàng", ông Minh nhận định.

Việc phát triển hàng không giá rẻ rất đáng để nghiên cứu. VNA đã, đang giữ vững là hãng hàng không dịch vụ đầy đủ đối với khách hàng truyền thống thu nhập cao, hay nói cách khách là giữ vững phân khúc thị trường của mình.

Vietjet có thị phần ngày càng lớn không chỉ thị trường trong nước mà có thể mở rộng hơn nữa. Hãng này đánh vào mục tiêu giúp khách đi đường bộ có thể chuyển sang đi máy bay, điều đó là lý do vì sao phân thị giá rẻ 2 năm gần đây tăng trưởng 18-20%.

Trong khi khách hàng truyền thống của VNA có mức tăng ổn định từ 7-8%. Mục tiêu của VNA khẳng định cam kết lâu dài với khách hàng truyền thống, đồng thời cũng mở rộng dải sản phẩm của mình.

"Đối diện với cạnh tranh ngày càng lớn của hãng giá rẻ, không chỉ VNA mà các hãng hàng không truyền thống phải liên kết để hình thành hãng hàng không giá rẻ. Từ 2011, VNA đã tiếp nhận phần vốn nhà nước chuyển giao để có được Jetstar Pacific, là sẩn phẩm liên doanh với Jetstar Group để giữ vững và để cạnh với hãng hàng không giá rẻ", ông Minh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo VNA cho biết đơn vị này hiện không có ý định thoái vốn khỏi Jetstar.

Theo kế hoạch từ 2013-2015 VNA sẽ thực hiện thoái vốn 10 danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tổng vốn theo sổ sách 620 tỷ đồng. VNA cho biết đến nay đã thoái 5 danh mục, tổng vốn đạt 85% kế hoạch, còn lại 15% sẽ thực hiện thoái trước thời hạn cuối năm 2015.

Tỷ suất lợi nhuận tăng 9 lần vào năm 2018?

Trong phần giới thiệu, VNA đưa ra dự kiến tỷ suất lợi nhuận đến năm 2018 tăng gần 9 lần so với hiện nay. Điều này đã được giới đầu tư đặt câu hỏi liệu có khả quan?

Tổng giám đốc VNA cho biết, thứ nhất tới 2018 VNA đánh giá hãng sẽ đạt chỉ tiêu lợi nhuận gấp nhiều lần so với hiện tại, bởi đến đến thời điểm đó VNA hoàn tất chương trình lớn là thay toàn bộ đội bay hiện tại thân rộng, bay chủ lực các đường bay chính của VNA bằng đội máy bay thế hệ mới là Boeing 7879 và A350.

Đây là điều được kỳ vọng lớn nhất, vì với đội bay mới thì chỉ số về chi phí nhiên liệu giảm tới 25%, các chỉ số về chi phí bảo dưỡng kỹ thuật cũng ở mức từ 14-20% và nhiều hoạt động của đội bay chính sẽ tiết giảm nhiều.

"VNA là hãng hàng không đầu tiên của Đông Nam Á tiến hành thay đổi sớm trong khi tất cả các hãng hàng không trong khu vực khoảng 2018 trở đi mới đẩy mạnh thay thế đội bay của mình", ông Minh cho biết thêm.

Thứ hai với đội bay mới, VNA sẽ hoàn tất chương trình nâng cấp dịch vụ VNA thành hãng hàng không 4 sao. Hiện nay, 60% chỉ số về dịch vụ mặt đất đạt tiêu chuẩn 4 sao, khoảng 75% cho các tiêu chuẩn dịch vụ trên không đạt chuẩn 4 sao.

Thứ ba, kỳ vọng vào tiến trình cổ phần hoá, hãng với sự đóng góp của các cổ đông thì quá tình đổi mới tiếp tục đẩy mạnh, quản trị được thực hiện tốt hơn.

Nguồn vốn cũng là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi với lãnh đạo VNA. "Hiện chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu của VNA cao, giải pháp nào và trong tương lai đầu tư thì nguồn vốn từ đâu?"

Lãnh đạo VNA cho biết, hiện hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cao hơn chuẩn ngành hàng không. Cụ thể, tỷ lệ nếu không tính nợ đặc thù thì chỉ số là 4,3 lần. VNA ý thức được điều này và cũng có giải pháp để cải thiện.

Cải thiện chỉ số bằng cả tử và mẫu số. Thứ nhất là tăng mẫu số, tìm mọi giải pháp để nâng vốn chủ sở hữu phù hợp với quy mô kinh doanh. Trong sổ sách ngày 31/3, doanh thu của VNA là 2,7 tỷ USD, đạt 14-15 triệu khách nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 506 triệu USD, thấp so với khu vực.

Giải pháp quan trọng là đẩy nhanh cổ phần hóa, theo phương thức giữ nguyên phần vốn và phát hành thêm cổ phiếu để thu hút thêm vốn... Dự kiến đến 2018, vốn chủ sở hữu cần tăng lên ở mức 26 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là quan tâm tử số để kiểm soát số nợ vay tương ứng, phù hợp với cân đối tài chính doanh nghiệp. Chẳng hạn có thể tính đến phương án mua máy bay, bán rồi thuê lại thì vẫn đảm bảo có được đội bay mà VNA kiểm soát được về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ nhưng giảm được nợ. Giải pháp khác là thực hiện tái cơ cấu DN, thoái vốn để thay đổi cơ cấu tài sản, dồn nguồn vốn vào lĩnh vực kinh doanh chính...


DiaOcOnline.vn - Theo Bizlive