Sau hai thập kỷ tăng trưởng bền vững, với các nhà tiếp thị, suy thoái là một điều hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Một việc mà hầu hết các công ty phải thực hiện, dưới sự chỉ đạo của bộ phận tài chính là cắt giảm chi tiêu marketing...
Sau hai thập kỷ tăng trưởng bền vững, với các nhà tiếp thị, suy thoái là một điều hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Một việc mà hầu hết các công ty phải thực hiện, dưới sự chỉ đạo của bộ phận tài chính là cắt giảm chi tiêu marketing. Vậy thì câu hỏi mà các nhà tiếp thị quan tâm là nên thực hiện các hoạt động nào để duy trì thương hiệu trong thời kỳ suy thoái?
Câu trả lời nằm trong cách hiểu về suy thoái thực sự có ý nghĩa như thế nào với con người. Cho đến nay, người ta chỉ thấy suy thoái làm mức độ giàu có của họ bị giảm nhanh chóng. Việc làm bị cắt giảm và cơ hội kinh doanh bị hạn chế rất nhiều.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là ảnh hưởng vật chất của suy thoái, ảnh hưởng về tâm sinh lý có tác động mạnh mẽ hơn nhiều tới thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Giờ đây, hàng ngày, chúng ta đọc thấy nhiều tin tức tiêu cực trên báo chí. Khi đi làm về, vợ hoặc chồng mặt mày chán nản than phiền về tương lai u ám. Kết quả là thái độ của mọi người trong thời kỳ suy thoái, nói chung đều trở nên tiêu cực.
Mọi người cảm thấy thất vọng và có cảm giác bị mất lòng tin. Họ trở nên hoài nghi và chuyển sang sống khép kín, tập trung cho những việc nhỏ hơn liên quan đến cuộc sống của họ. Họ đề cao các giá trị truyền thống và hoạt động trong gia đình. Họ không nghĩ lạc quan về những gì sắp tới; thay vào đó họ hồi tưởng lại những thời gian đã qua.
Tư tưởng của mọi người chuyển từ ý thức “sống là phải tận hưởng ngay bây giờ” sang “cần phải điều chỉnh lại việc chi tiêu sinh hoạt”. Điều này dẫn đến việc họ cân nhắc nhiều hơn khi chi tiêu, không phải vì họ có ít để tiêu (có thể một số trường hợp là như vậy), mà đơn giản họ nghĩ đó là việc họ nên làm trong thời gian khó khăn này.
Đề cao sự tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống
Eye on Asia, một nghiên cứu độc quyền của Tập đoàn Grey, đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng như người châu Á muốn gì từ các công ty quảng bá thương hiệu, các hoạt động tiếp thị và việc trao đổi thông tin giữa họ và những nhà tiếp thị nên như thế nào. Nghiên cứu này với các thông tin có được từ hơn 7.500 người ở 16 nước châu Á sẽ giúp các công ty quảng bá thương hiệu có thể đề cao sự tận hưởng những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống.
Có một xu hướng đang phát triển đó là người ta mong có nhiều trải nghiệm cuộc sống hơn là sự giàu có về tài sản. 83% dân châu Á mong muốn bản thân được tận hưởng niềm vui thường xuyên; số liệu này cao nhất ở Nhật (97%) và thấp nhất ở Indonesia (55%). Tương phản với kết quả đó, 82% dân số của khu vực này cảm thấy căng thẳng do cuộc sống hiện đại.
Các công ty quảng bá thương hiệu có thể áp dụng các chiến dịch hồi tưởng để giúp cho mọi người nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp. Hoặc họ có thể tạo không khí lạc quan giúp người tiêu dùng quên đi những tiêu cực trong cuộc sống hiện tại thông qua các chiến dịch marketing vui nhộn.
Đề cao chất lượng, chất lượng và chất lượng
Các công ty quảng bá thương hiệu có thể tập trung đầu tư thông minh để đảm bảo chất lượng lâu dài. Bởi 97% người dân châu Á coi chất lượng cao là yếu tố cơ bản cho thương hiệu khi họ mua các sản phẩm lâu bền. 59% người dân châu Á sẵn lòng trả thêm tiền cho sản phẩm mới hoặc độc đáo.
Số liệu này với người Việt Nam là 92%, người Thái Lan là 38% và người Nhật Bản là 30%. Với hầu hết người dân châu Á (88%), sở hữu thương hiệu toàn cầu là một yếu tố thúc đẩy tích cực, tuy nhiên với người Hàn Quốc (73%) và người Nhật (62%) thì điều đó ít hấp dẫn hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí Marketing