Trà C2 Ô Long ngang nhiên dối trá về chất lượng

Cập nhật 16/07/2014 16:58

Không chỉ lừa dối về nguồn gốc, trà xanh C2 Ô Long hoa hồng còn bị cho là ngang nhiên dối trá khi quảng cáo "được ủ và đóng chai trong cùng 1 ngày".

Không chỉ lừa dối về nguồn gốc, trà xanh C2 Ô Long hoa hồng còn bị cho là ngang nhiên dối trá khi quảng cáo "được ủ và đóng chai trong cùng 1 ngày".

Gần đây, các chuyên gia đã phân tích sự dối trá của trà Ô Long C2 trong đoạn video clip liên tục trên truyền hình.

Cụ thể, nội dung đoạn clip quảng cáo sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng của công ty TNHH URC Việt Nam thuộc tập đoàn URC (Universal Robina Corporation) nêu: "Chuyên gia trà C2 khám phá bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên được lên men cẩn thận để lưu giữ hàm lượng polypenol, giúp hạn chế hấp thu chất béo, được ủ và đóng chai trong cùng một ngày, tạo nên C2 Ô Long Hoa hồng cho bạn sức khỏe căng tràn".


Tuy nhiên, theo tài liệu về quy trình chế biến trà Ô Long do Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc – Tổng công ty chè Việt Nam cung cấp cho PV VTC News, thời gian để từ búp tươi trà Ô Long trở thành sản phẩm hoàn thiện phải qua rất nhiều công đoạn, phải mất tới 36 tiếng và với khoảng 4,5 kg trà tươi sẽ cho ra 1 kg thành phẩm.

Ngoài ra, theo clip quảng cáo về Trà xanh Ô Long hoa hồng thì "những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên được lên men cẩn thận để lưu giữ hàm lượng polypenol". Song, theo Tiến sỹ Tài, phương pháp lên men của trà Ô Long là "lên men một nửa để giữ được nhiều chất có lợi cho sức khỏe".

Quy trình chế biến trà Ô Long được Tiến sỹ Tài cung cấp như sau:
Búp trà tươi sau khi được hái sẽ được để nắng héo ở nhiệt độ 25 – 30 độ C và thời gian 30 – 45 phút.

Trà búp tươi được phơi héo bằng cách rải mỏng trên vải bạt, có giàn che bên trên để hạn chế nắng gắt. Chỉ dùng ánh nắng mặt trời như vậy để tăng nhanh quá trình thoát hơi nước trong búp trà, làm mất tính bán thấm của màng tế bào, tăng hàm lượng các thành phần hoá học trong tế bào, tạo điều kiện cho các phản ứng sinh hóa diễn ra từ từ, làm tăng hoạt động của enzyme, đặc biệt là hàm lượng cathechin, thúc đẩy quá trình oxy hoá để lên men tự nhiên.

Sau đó, trà được sấy nhẹ và vo tròn để cho phần lớn các cấu trúc tế bào vẫn giữ nguyên vẹn.

Qua quá trình chế biến công phu, tinh tế như vậy, trong trà Ô Long giữ được gần 400 hoạt chất, được xếp làm 13 nhóm như chất đường, protein, tinh dầu, acid amin (có đến 17 acid amin), các sắc tố (caroten, xanthophin), các acid hữu cơ, các chất khoáng vô cơ (Fe, P, K, Ca, ...), các vitamin (A, B1, B2, B6, B12, C, .....), các glucoside, các enzym và tanin (15-30%),...


Theo quảng cáo của công ty TNHH URC Việt Nam thuộc tập đoàn URC (Universal Robina Corporation) trà xanh Ô Long hoa hồng tinh túy được lên men và đóng chai trong cùng 1 ngày.

Sau nắng héo, trà sẽ chuyển sang giai đoạn làm "mát héo" ở nhiệt độ 20 – 22 độ C và thời gian từ 30 – 45 phút. Ở giai đoạn này búp chè sẽ được đưa vào phòng, rải mỏng đều trên nong, đồng thời đảo trộn để tiếp tục quá trình thoát hơi nước, làm dập các tế bào, xúc tiến quá trình lên men, thời gian 12 giờ.

Sau đó, búp chè sẽ được quay thơm (rũ hương) trong 15 - 30 phút và tiến hành lên men trong thời gian từ 3 – 3,5 giờ.

Để có 1 sản phẩm trà Ô Long hoàn thiện, thơm ngon, các công đoạn làm sẽ mất khoảng 36 tiếng.

Sau khi lên men, sẽ tiến hành xào diệt men, vò chuông, sấy dẻo, tạo hình trong khoảng 12 giờ. Cuối cùng là sấy khô khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó phân loại, đóng gói và đem sản phẩm đi bảo quản trong kho lạnh.

"Muốn có được sản phẩm trà Ô Long ngon, mỗi một công đoạn chế biến đều phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt cả về nhiệt độ lẫn thời gian", ông Tài nhấn mạnh.

Như vậy, để có 1 sản phẩm trà Ô Long hoàn thiện, thơm ngon, các công đoạn làm sẽ mất khoảng 36 tiếng. Trà xanh C2 Ô Long hoa hồng còn có thêm công đoạn pha chế và đóng chai.

Vì vậy, việc quảng cáo "ủ và đóng chai trong cùng một ngày" của trà xanh C2 Ô Long hoa hồng đã đặt ra nghi vấn về chất lượng của sản phẩm. Bởi lẽ trà Ô Long đòi hỏi cao về nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất.

Theo các chuyên gia về chè, hiện Việt Nam vẫn chưa có dây chuyền để sản xuất được loại chè này, nên thiết bị, dây chuyền sản xuất và công nghệ đều phải nhập từ nước ngoài về.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC