Thành công dù đi ngược "triết lý Silicon Valley"

Cập nhật 09/07/2015 14:17

Thung lũng Silicon (Silicon Valley) - trung tâm công nghệ của thế giới - đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến mức nhiều người cho rằng phải tuân theo các “triết lý” của những chuyên gia nổi tiếng tại đây mới có thể thành công, bất kể đặc trưng sản phẩm/dịch vụ, đối tượng khách hàng, tình hình thị trường và mục tiêu kinh doanh là gì.

Thung lũng Silicon (Silicon Valley) - trung tâm công nghệ của thế giới - đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến mức nhiều người cho rằng phải tuân theo các “triết lý” của những chuyên gia nổi tiếng tại đây mới có thể thành công, bất kể đặc trưng sản phẩm/dịch vụ, đối tượng khách hàng, tình hình thị trường và mục tiêu kinh doanh là gì.


Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng, rất nhiều nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp trị giá tỷ đô không hề nghe theo một niềm tin “bất di bất dịch” nào, kể cả khi niềm tin đó được tất cả mọi người tin tưởng vì xuất phát từ Thung lũng Silicon.

Chẳng hạn, hai niềm tin phổ biến tại Thung lũng Silicon là: không nên áp dụng hình thức thuê ngoài đối với “đứa con công nghệ” của bạn, và nên tạo ra một sản phẩm cụ thể hơn là các loại dịch vụ mới.

Tuy vậy, By Rahul Varshneya – nhà đồng sáng lập công ty phát triển ứng dụng điện thoại Arkenea – cho biết trên Inc. rằng, ông đã bất chấp cả hai điều này và đã điều hành Arkenea ăn nên làm ra suốt 5 năm nay.

Bạn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, thuê ngoài hay tự sản xuất, bạn hoạt động trong Thung lũng Silicon hay ở một nơi nào khác…, tất cả đều không quan trọng, miễn sao bạn có đủ tâm huyết với việc phục vụ nhu cầu của khách hàng hoặc giải quyết các vấn đề của họ, By Rahul Varshneya nhận định.

Không nhất thiết phải đến Thung lũng Silicon mới có thể ra mắt sản phẩm công nghệ

Chirag Kulkarni – nhà đồng sáng lập công ty công nghệ Insightfully đã quyết định đặt trụ sở công ty ở Boston. Sau một thời gian hoạt động trôi chảy, Chirag còn đang tiếp tục lên kế hoạch triển khai một dự án khởi nghiệp nữa ở nơi này. Đây là một bằng chứng cho thấy, không phải mọi dự án khởi nghiệp công nghệ thành công đều phải xuất phát từ Thung lũng Silicon.

Miễn là bạn có tầm nhìn chiến lược, tuyển dụng được nhiều người tài, cung cấp sản phẩm/dịch vụ phù hợp cho thị trường, bạn sẽ thành công dù cho có ở đâu.

Kinh doanh dịch vụ là yếu tố cốt lõi cho sự khởi đầu các sản phẩm

Andrew Kucheriavy - người điều hành Intechnic trong 15 năm qua - đã xây dựng một mô hình dịch vụ thành công có giá trị gần 10 triệu USD. Đây cũng là mô hình dịch vụ gần như bị xem thường ở Silicon Valley.

Kinh doanh dịch vụ là nền tảng xây dựng của hầu hết các sản phẩm. Lấy ví dụ, các công ty cung cấp giải pháp thiết kế và tiếp thị, tổ chức tư vấn phát triển, quản lý đám mây lưu trữ... là các dịch vụ mà nếu không có nó, hầu hết các sản phẩm đều không thể được tạo ra.

“Cách duy nhất để các doanh nghiệp dịch vụ tối ưu hóa hoạt động là ‘sao chép’ (nhân bản) những dịch vụ hàng đầu của mình. Để làm được điều đó, phải xác định được nhóm những người đã tạo ra thành công những dịch vụ này, phân tích những điều họ đang làm đúng sau đó thuê thêm những cá nhân có kỹ thuật và tiềm năng tương đương. Sau đó theo dõi chặt chẽ bằng sự đào tạo nghiêm ngặt, lặp lại chu kỳ này liên tục, không bao giờ dừng lại”, Andrew Kucheriavy chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình.


Phải có tiền của tổ chức đầu tư mạo hiểm mới khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực công nghệ?

“Tôi chắc chắn một điều, bạn không cần phải có tiền của các tổ chức đầu tư mạo hiểm mới có thể khởi nghiệp thành công. Có thể mất nhiều thời gian hơn một chút, nhưng bạn sẽ thành công. Còn nếu bạn không thành công thì dù cho có được đầu tư nhiều tiền cũng vậy thôi”, John Rampton - nhà đồng sáng lập Due.com (công ty khởi nghiệp đã thu hút gần 100.000 khách hàng trong vỏn vẹn 6 tháng) nói.

John đã tạo ra sản phẩm của mình bằng cách thuê một nhóm nhân sự bên ngoài – điều mà các chuyên gia ở Thung lũng Silicon cho là “cấm kỵ”. Nhiều sản phẩm công nghệ thông dụng ngày nay cũng khởi đầu bằng cách thuê nhân sự bên ngoài như Skype, Fab.com, thậm chí cả công ty trị giá tỷ đô Slack.

“Bắt đầu một dự án start-up không có nhiều tiền, bạn phải tính toán kỹ lưỡng hơn để sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận nhanh nhất. Điều này tác động đến mọi quyết định khác về việc thuê nhân sự, tiến trình làm việc…”, John Rampton cho biết thêm.

Thành công không phụ thuộc vào số lượng hội thảo khởi nghiệp bạn tham dự

Một xu hướng phổ biến ở Silicon Valley là tham dự hội thảo khởi nghiệp càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc tham gia các buổi hội thảo quả thật không phải lúc nào cũng là một cách đầu tư tốt về mặt thời gian.

Shane Hvizdzak – nhà sáng lập, CEO của Helpified.com cho rằng: “Danh tiếng và mạng lưới các mối quan hệ của bạn rất quan trọng, chắc chắn, nhưng có rất nhiều cách để xây dựng 2 điều đó. Việc tham dự các hội thảo dành cho start-up rất tốt, tôi đã có được nhiều kinh nghiệm hữu ích và được gặp gỡ những người tuyệt vời tại các hội thảo này. Nhưng trong nhiều trường hợp, tôi thấy mình tiến xa hơn khi tập trung tối đa thời gian để làm việc. Đem đến một giá trị đích thực là cách tốt hơn nhiều so với việc trao cho ai đó tấm danh thiếp của bạn”.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG