Tại sao một vài người có các tấm đệm lò xo để nhào lộn trong nhà và máy bay riêng trong khi những người khác lại phải ngủ vạ vật ở các trạm xe buýt?
Tại sao một vài người có các tấm đệm lò xo để nhào lộn trong nhà và máy bay riêng trong khi những người khác lại phải ngủ vạ vật ở các trạm xe buýt? Câu hỏi tại sao Bill Gates lại giàu rất khó trả lời chính xác, chỉ biết rằng thế giới này sẽ là một cuộc chơi hấp dẫn khi bạn có trong tay 50 tỷ đôla.
Bill Gates đang sửa sang lại ngôi nhà của mình. Năm 1997, nhân vật có thế lực này đã chuyển đến ngôi biệt thự trị giá 100 triệu đôla và hiện nó cần sửa lại đôi chút.
Ngôi nhà có diện tích hơn 3.000 m2 này có một rạp chiếu phim 20 chỗ ngồi, một sảnh tiếp khách, bãi đỗ xe 28 chỗ, một tấm đệm lớn để nhào lộn trong nhà và tất cả những đồ dùng điện tử hiện đại nhất. Nhưng, gia đình Bill Gates vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với ngôi nhà này. Theo các tài liệu nộp cho Ủy ban quy hoạch của khu vực Medina, Washington, Bill Gates và vợ muốn có thêm phòng ngủ và những khu vui chơi, học tập cho các con.
Dinh thự của Bill Gates
Người ta có thể suy ra rất nhiều điều từ kế hoạch xây dựng của Gates nhưng kết luận quan trọng nhất là, sẽ thật sung sướng nếu trở thành Bill Gates. Thế giới này sẽ là một cuộc chơi hấp dẫn khi bạn có trong tay 50 tỷ đôla. Người ta cũng có thể nghĩ đến một số vấn đề khác, rộng hơn: Tại sao một vài người có các tấm đệm lò xo để nhào lộn trong nhà và máy bay riêng trong khi những người khác lại phải ngủ vạ vật ở các trạm xe buýt? Tại sao trong thời kỳ phát triển kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ, vẫn có rất nhiều người không có đủ nhu yếu phẩm cho cuộc sống?
Chín năm tăng trưởng kinh tế liên tục chỉ làm tăng thêm tỷ lệ đói nghèo. Khoảng 11% người Mỹ sống trong tình trạng đói nghèo. Đây là một con số đáng tưởng thưởng so với mức đỉnh điểm 15% của năm 1993 nhưng lại không khá hơn là bao so với những năm 1970. Tất nhiên, Mỹ vẫn là nước giàu trong khu vực nếu xét trong bối cảnh một nửa dân số thế giới (tức, khoảng 3 tỷ người) phải sống dưới mức nghèo khổ.
Đói nghèo và bất bình đẳng về thu nhập cũng là một đề tài được rất nhiều nhà kinh tế học quan tâm. Họ tìm lời giải cho những câu hỏi: Có những ai nghèo? Tại sao họ lại nghèo? Và mọi người có thể làm gì để giải quyết tình trạng đó? Bất kỳ cuộc tranh luận nào về nguyên nhân Bill Gates giàu hơn những người phải sống thiếu thốn trong những khu ổ chuột đều bắt đầu bằng khái niệm mà các nhà kinh tế học gọi là vốn con người.
Giàu và nghèo: tại sao?
Vốn con người là toàn bộ các kỹ năng của một cá nhân đó là học vấn, sự thông minh, uy tín, tính sáng tạo, kinh nghiệm làm việc, khí lực doanh nhân, và thậm chí cả khả năng ném một quá bóng rổ thật nhanh, mạnh và chính xác. Nó là tất cả những gì còn lại nếu có ai đó tước đi tất cả tài sản của bạn - công việc, tiền bạc, nhà ở, các tài sản khác - và để bạn lại trên một góc phố chỉ với một bộ quần áo trên người. Bill Gates sẽ sống thế nào trong tình hình đó? Rất tốt. Thậm chí nếu Microsoft có phá sản và tài sản của Gates bị tịch thu thì ông vẫn có thể tìm được cho mình một công việc tốt ở các công ty khác. (Khi bị Apple - công ty do chính mình sáng lập nên - sa thải, Steven Jobs đã chuyển hướng và sáng lập ra Pixar và ngay sau đó, Apple đã mời ông quay trở lại).
Thị trường lao động không khác nhiều so với các thị trường khác: trong thị trường đó, có những kỹ năng được chuộng hơn những kỹ năng khác. Nếu một người càng sở hữu nhiều kỹ năng riêng, độc đáo, người đó càng được trọng dụng. Alex Rodriguez kiếm được 250 triệu đôla trong 10 năm chơi bóng chày cho Texas Rangers bởi vì anh ta có thể đánh một quả bóng tròn rất mạnh (có vận tốc khoảng 90 dặm một giờ) với tần xuất khá thường xuyên. Sức hút từ cú đánh bóng của Rod giúp Rangers thu được lợi nhuận khổng từ việc bán vé, đồ lưu niệm cho các fan hâm mộ và quảng cáo trên truyền hình. Và trên hành tinh này, có lẽ, duy nhất Rod là người có khả năng đánh một cú bóng mạnh với phong độ ổn định như thế.
Tương tự như trong nền kinh tế thị trường, giá của một kỹ năng không có mối quan hệ cố hữu với giá trị xã hội của nó, mà chỉ liên quan đến sự khan hiếm. Trong cuộc phỏng vấn Robert Solow - người giành giải Nobel Kinh tế năm 1987 và là một người rất say mê bóng rổ - tôi đã hỏi Solow, ông có thấy buồn không khi số tiền thưởng của giải Nobel ít hơn cả số tiền mà Roger Clemens, vận động viên của Red Sox vào thời điểm đó, kiếm được trong một mùa giải. Solow đã trả lời: “Tôi không buồn, bởi vì chuyên gia kinh tế giỏi thì có nhiều nhưng cầu thủ bóng rổ giỏi như Roger chỉ có một”. Đây chính là lối tư duy của các nhà kinh tế học.
Ai là người giàu có, hoặc ít nhất là có cuộc sống thoải mái ở Mỹ? Các kỹ sư lập trình, bác sĩ phẫu thuật, kỹ sư nguyên tử, nhà văn, kế toán, chủ ngân hàng, giáo viên… Các cá nhân này thường là những người có tài năng thiên bẩm: họ tích lũy được rất nhiều kỹ năng chuyên biệt khi tham gia các khóa đào tạo và giáo dục chuyên môn. Nói cách khác, họ đã đầu tư đáng kể vào vốn con người. Giống như bất kỳ loại hình đầu tư nào khác - từ xây dựng một nhà máy sản xuất đến mua trái phiếu - tiền được đầu tư hôm nay cho vốn con người sẽ mang về lợi nhuận trong tương lai. Đó sẽ là một khoản lợi nhuận rất lớn. Theo tính toán, nếu bạn đầu tư ngay hôm nay cho việc học đại học, bạn có thể kiếm lại số tiền đó cộng thêm 10% một năm cho số tiền bạn đã bỏ ra.
Điều ngược lại đúng với những người lao động nghèo. Những người lao động có các kỹ năng làm việc tối thiểu không hiếm. Các cửa hàng ăn nhanh chỉ cần trả mức lương vừa phải là có thể thuê được những người phục vụ thân thiện. Đó có thể là 5,50 đôla một giờ khi nền kinh tế đang suy thoái hoặc 9 đôla một giờ khi thị trường lao động đặc biệt khan hiếm, nhưng sẽ không bao giờ lên tới 400 đôla một giờ - một mức phí mà chỉ những luật sư hàng đầu mới có thể yêu cầu.
Những luật sư xuất sắc rất hiếm, nhưng những người bán đồ ăn giỏi thì không. Nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tình trạng đói nghèo dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới là tình trạng thiếu vốn con người. Ở Mỹ, có một bộ phận người dân nghèo là bởi vì họ không thể tìm được việc làm. Nhưng đây là một triệu chứng, chứ không phải là một căn bệnh. Vấn đề cơ bản là do họ thiếu các kỹ năng (hay, vốn con người). Tỷ lệ nghèo ở những học sinh bỏ học ngay từ cấp phổ thông ở đất nước chúng ta cao gấp 12 lần tỷ lệ nghèo ở những sinh viên tốt nghiệp đại học. Tại sao Ấn Độ lại là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới? Lý do chủ yếu là bởi vì 35% dân số nước này mù chữ (đã giảm so với mức gần 50% cách đây một thập kỷ) hoặc phải sống trong những điều kiện khiến họ không phát huy được vốn con người.
Một nền kinh tế mạnh cũng có vai trò hết sức quan trọng. Tìm được một công việc vào năm 2001 dễ hơn vào năm 1975 hay 1932. Nước lên sẽ kéo thuyền lên. Tăng trưởng kinh tế là điều tuyệt vời đối với tất cả những người nghèo. Ngược lại, một nền kinh tế yếu kém sẽ là nỗi kinh hoàng đối với họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế: Ngay cả khi nước lên, những lao động có tay nghề thấp cũng chỉ có thể bám lấy những khúc củi trôi giạt, trong khi những người cùng độ tuổi có tay nghề hơn lại ngồi thư thái uống cocktail trên thuyền. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh không biến những người trông xe thành những vị giáo sư đại học. Nhưng đầu tư vào vốn con người có thể làm được điều đó. Các nhân tố vĩ mô kiểm soát những đợt thuỷ triều nhưng vốn con người mới quyết định chất lượng của con thuyền.
Đô La Hay Lá Nho? - Lột Trần Cô Nàng Kinh Tế Học | |
NXB Lao Động Xã Hội | |
Giá bìa: 79.000 VNĐ |