Nhãn hiệu đình đám Bia 33 và Bia 333 giờ ra sao?

Cập nhật 15/12/2014 14:59

Vừa phải cạnh tranh với các ông lớn quốc tế, vừa phải cạnh tranh với nhau, bia 333 và bia 33 có "sống khỏe" tại Mỹ?

Vừa phải cạnh tranh với các ông lớn quốc tế, vừa phải cạnh tranh với nhau, bia 333 và bia 33 có "sống khỏe" tại Mỹ?

Bia 333 tiếp nối bia 33

Năm 1875, ông Victor Larue mở một xưởng chế tạo rượu bia ở Chợ Lớn và hợp tác với ông Hommel mở một nhà máy vỏ chai rượu bia ở Hà Nội. Sau đó ông thành lập nhà máy đặt tên là BGI. Sau khi thành công với nhiều thương hiệu bia, năm 1909, BGI tạo được tiếng vang lớn với loại 33 Export.

33 Export nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu bia được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Không chỉ người Việt uống 33 Export, người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng coi đây là một trong những loại đồ uống đáng dùng nhất.

Bia 33 quay trở lại trong diện mạo không có nhiều khác biệt

Năm 1977, BGI đóng cửa, thương hiệu 33 Export vì thế cũng biến mất. Sau đó, Sabeco tiếp quản và đặt lại tên thành bia 333. Sabeco không thể sử dụng được cái tên bia 33 vì đây là thương hiệu đã được đăng ký toàn cầu.

Sabeco quản lý và phát triển thương hiệu bia 333 rất tốt. Trên nền tảng sẵn có của bia 33, bia 333 nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu ngành hàng bia tại thị trường Việt nam. Bia 333 có tên dân dã là Bia Con Cọp.

Theo thống kê năm 2012, thị phần của bia 333 là rất lớn, chiếm tới 16%, chỉ đứng sau bia Sài Gòn Đỏ (28,1%) thị phần. Tiếp sau là bia Hà Nội với 11,4% và Heineken (10% đối với lon và 6,8% đối với loại chai).

Bia lon 333 không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được khách hàng quốc tế đón nhận. Vì vậy, bia 333 đã được xuất khẩu và có mặt trên 17 quốc gia với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Đức, Hà Lan,… Và tất nhiên, không thể thiếu Mỹ.

Trong khi đó, sau khi đóng cửa tại Việt Nam, BGI sang Pháp và “hồi sinh” bia 33 Export. Giữa châu Âu, “thủ phủ” bia của thế giới, bia 33 Export vẫn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt vì hương vị khá đặc biệt.

Năm 1989, BGI của Pháp trở lại Việt Nam mở công ty BGI do tập đoàn Heineken điều hành. Foster’s và APB (Asia Pacific Breweries Ltd. - Tiger beer) đảm nhận việc khai thác loại bia 33 Export ở Việt Nam. BGI lập nhà máy ở Mỹ Tho, rồi Ðà Nẵng và Hải Phòng.

Bia 33 sản xuất tại Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu Hồng Kông, Đài Loan, Nhật,… Và Mỹ trở thành một trong những thị trường trọng điểm của bia 33.

Song hành tại Mỹ

Mỹ là một trong những thị trường quan trọng của nhiều sản phẩm đến từ Việt Nam. Trong đó, có cả bia Việt. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết không khó để tìm được bia 333 và bia 33 trên đất Mỹ. Điều đặc biệt, hai thương hiệu bia này, cạnh tranh trực diện nhau.

“Tại quầy hàng của nhà hàng Việt Nam lớn nhất trong khu chợ Eden, tôi may mắn bắt gặp hình ảnh song đối giữa Bia 333 của Sabeco và Bia 33 của Liên doanh Bia Việt Nam. Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh thú vị mang yếu tố lịch sử”.

Bia 333 và bia 33 được ưa chuộng tại Mỹ chủ yếu là do trong ký ức của người Việt những năm trước 1975 vẫn còn in đậm hình ảnh nhãn hiệu bia hình Con Cọp và Bia 33. Vì vậy, ngay khi đặt chân tại Mỹ, cả hai thương hiệu bia này đều có chỗ đứng khá vững chắc dù thị trường bia Mỹ có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Không chỉ người Việt sinh sống tại Mỹ uống bia 333 và bia 33, không ít người dân bản xứ, đặc biệt là các cựu binh Mỹ cũng chuộng loại đồ uống đến từ Việt Nam này. Trên một số diễn đàn, cựu binh Mỹ cho nhau biết cách đặt hàng mua bia 33 Export, giao hàng bằng bưu điện hoặc bằng các phương tiện vận tải giao hàng khác.

Như vậy có thể thấy, dù cạnh tranh trực diện với nhau nhưng bia 333 và bia 33 vẫn có những đối tượng khách hàng riêng của mình. Vì vậy, cuộc cạnh tranh này diễn ra khá êm đềm.

Vì được ưa chuộng tại Mỹ nên lượng tiêu thụ bia 333 và bia 33 đều tăng trưởng theo năm. Bia 333 góp phần giúp giá trị xuất khẩu của Sabeco tăng mạnh. Cụ thể, trong năm 2013, giá trị xuất khẩu tại Sabeco đạt giá trị 1,3 triệu USD, tăng 48% so với năm 2012. Và tiềm năng của bia Việt tại Mỹ vẫn còn rất lớn.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét: “Dù cuộc sống bận rộn và không gian đô thị khác với Việt Nam, một phần không nhỏ người Mỹ gốc Việt vẫn giữ văn hoá nhậu nhẹt như thời còn ở trong nước.

Không xét đến cái hay hoặc cái dở của văn hoá nhậu, nhưng hình ảnh những thương hiệu Bia Việt trên đất Mỹ là một niềm tự hào có thật và là một nét tích cực trong tiến trình hội nhập và thành công xuất khẩu sản phẩm – thương hiệu Việt”.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News