Facebook thay đổi thuật toán: Rủi ro cho ai?

Cập nhật 13/07/2016 10:52

Ngày 29/6 vừa qua, Facebook chính thức công bố kế hoạch thay đổi thuật toán của mình, cụ thể bằng việc những bài đăng có nội dung từ người thân, bạn bè của bạn sẽ được ưu tiên xuất hiện trên News Feed của bạn hơn là những bài đăng từ các Pages (trang – loại tài khoản dành cho doanh nghiệp, ví dụ trang Business Insider, Oreo…), các bài báo, video quảng cáo…

Ngày 29/6 vừa qua, Facebook chính thức công bố kế hoạch thay đổi thuật toán của mình, cụ thể bằng việc những bài đăng có nội dung từ người thân, bạn bè của bạn sẽ được ưu tiên xuất hiện trên News Feed của bạn hơn là những bài đăng từ các Pages (trang – loại tài khoản dành cho doanh nghiệp, ví dụ trang Business Insider, Oreo…), các bài báo, video quảng cáo…


Thay đổi tất yếu hay "canh bạc" của Mark Zuckerberg?

Với nhiều người, việc Facebook phải thay đổi là tất yếu, vì thời gian gần đây, số lượng nội dung cá nhân do các thành viên của mạng xã hội này chia sẻ giảm mạnh và họ cảm thấy mệt mỏi khi News Feed của mình tràn ngập hình ảnh từ các doanh nghiệp, trang tin, quảng cáo…, ngày càng ít không gian dành cho các nội dung mang tính cá nhân. Tuy nhiên, Jillian D’Onfro, cây bút của tờ Business Insider gọi việc thay đổi thuật toán mới này của Facebook là một “canh bạc” của Mark Zuckerberg. Bởi với việc thay đổi thứ tự ưu tiên như vậy, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng tiềm năng sẽ khó khăn hơn.

Ví dụ dễ thấy nhất là việc trước đây, nếu bạn bè hoặc người thân trong danh sách “bạn bè” (Friends) của bạn “like” hay “comment” một bức ảnh, một dòng thông tin nào, thì việc này sẽ xuất hiện trên News Feed của bạn hoặc xuất hiện trên nút nhớ (notification), thì từ đầu năm 2016, việc này đã hoàn toàn bị Facebook xóa sổ khỏi News Feed, và tương lai sẽ còn “khó khăn” hơn nữa.

Điều này có thể khiến doanh thu của Facebook sụt giảm, bởi tính từ năm 2012 tới nay, 80% doanh thu của Facebook đều đến từ việc bán quảng cáo cho doanh nghiệp.

Giải thích cho quyết định có phần rủi ro này, Facebook đã nêu ra ba lý do:

Thứ nhất, Mark Zuckerberg cùng đội ngũ của mình muốn biến Facebook thành một nơi gần gũi hơn, bằng sự xuất hiện thường xuyên hơn những thông tin, bài đăng, hình ảnh… của bạn bè và những người thân của bạn.

Thứ hai, Facebook hướng tới việc trở thành một nơi cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dùng. Chỉ những thông tin cần thiết và giá trị chứ không ngập tràn thư rác, tin nhắn rác, nội dung vô bổ.

Cuối cùng, Facebook sẽ là một nơi giải trí lành mạnh, một nơi chia sẻ những bài đăng, những tấm hình, những video vui vẻ, hài hước và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mỗi cá nhân.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Nha sĩ Edward Zuckerberg (bố của Mark Zuckerberg) được mọi người ở California gọi là “bác sĩ Z không đau đớn”. Không cần sự giúp đỡ của người con trai, Edward đã tạo nên thương hiệu này của mình chỉ đơn giản nhờ hai việc.

Đầu tiên, ông kêu gọi mọi người hãy “like” trang Facebook của ông: Edward Zuckerberg D.D.S., F.A.G.D, sau đó ông email cho họ để khuyến khích vào trang Facebook của mình nhằm hiểu rõ hơn về phòng khám, các thông tin, công nghệ mới ông đang áp dụng. Từ năm 2011 đến nay, riêng trên trang Edward Zuckerberg D.D.S., F.A.G.D, Edward đã đón tiếp ít nhất 1.260 lượt bệnh nhân thông qua 1.260 bài đánh giá (theo quyển Likeable Social Media của Dave Kerpen).

Tính đến giữa tháng 5/2016, nước ta có hơn 30 triệu người dùng Facebook (tương đương một phần ba dân số). Mỗi ngày có khoảng 20 triệu người tương tác với Facebook và thời gian mỗi người trung bình bỏ ra để sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này là 2,5 giờ.

Độ tuổi người dùng chủ yếu (chiếm ba phần tư) là từ 18-24 (theo công bố của Facebook). Đây rõ ràng là một thị trường siêu tiềm năng và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, vì vậy cơ hội kinh doanh dành cho doanh nghiệp khi sử dụng công cụ Facebook là không hề nhỏ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thuật toán của Mark Zuckerberg sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Dave Kerpen, tác giả quyển sách Likeable Social Media nhận giải thưởng “Sách quốc gia Hoa Kỳ 2011”, đã lưu ý doanh nghiệp hai điểm quan trọng nếu muốn sử dụng Facebook làm nơi gửi gắm thông điệp, hình ảnh, thương hiệu của mình đến khách hàng:

Bạn là gì?

Sử dụng chiêu giảm giá, khuyến mãi, tặng quà… luôn là những cách cũ nhưng vẫn hiệu quả trong ngắn hạn để kêu gọi khách hàng “like” (lượng like thực, một số công ty hiện nay có dịch vụ tăng “like” ảo, tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi, bởi nếu Facebook phát hiện, trang của doanh nghiệp bạn có thể bị Facebook khóa vĩnh viễn) và tương tác trên trang của doanh nghiệp sẽ không còn.

Tuy nhiên trong dài hạn, với thuật toán mới của Facebook, việc “like” thôi là chưa đủ. Doanh nghiệp cần “tương tác” để bài đăng trên trang của mình xuất hiện thường xuyên trên News Feed của khách hàng. Bạn phải trả lời được câu hỏi, tại sao khách hàng “like” trang Facebook của bạn? Bạn sẽ mang đến cho họ những giá trị gì?

Lúc này đội ngũ marketing của doanh nghiệp sẽ phải ngồi lại, nghiên cứu từng khách hàng một, theo dõi sở thích, thói quen của họ để xây dựng một danh sách những bài đăng phù hợp. Nếu không, bạn sẽ phải đốt hàng núi tiền một tháng để bài viết của mình tới được với khách hàng chứ chưa nói đến việc khách hàng nhớ đến doanh nghiệp.

Đừng im lặng, đừng xóa

Khi một khách hàng đưa lên một bình luận không tốt về doanh nghiệp của bạn trên Facebook, bạn sẽ làm gì?

Theo Dave Kerpen, khi đã sử dụng Facebook Marketing, bạn cần chuẩn bị tâm lý sẽ phản hồi tất cả mọi điều khách hàng nói, từ lời khen tặng đến lời chửi mắng, chỉ cần đó là những việc liên quan đến doanh nghiệp bạn.

Sự im lặng hay xóa, trong bất cứ tình huống nào, đều đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang nói với khách hàng, những người đang cực kỳ thích thú hay cực kỳ tức giận về thương hiệu của mình, rằng: “Mặc kệ bạn, chúng tôi đã nghe, đã đọc và đã hiểu vấn đề, nhưng chúng tôi… không quan tâm”.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT