Viết một kế hoạch marketing đơn giản hơn bạn nghĩ. Năm bước cơ bản sau đây sẽ giúp bạn phát triển một kế hoạch marketing rõ ràng và hiệu quả.
Bước 1: Xem xét nội lực của doanh nghiệp
Nên tham khảo ý kiến của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo công ty để biết rõ mục tiêu nào thật sự quan trọng, cần ưu tiên, đặc biệt là thống nhất về về vấn đề ngân sách.
Đầu tiên, bạn cần viết ra một danh sách những điều bạn biết về công ty, về dự án, sản phẩm mà bạn cần triển khai kế hoạch marketing. Những điểm nào là đặc biệt phân biệt công ty của bạn với các công ty khác, điểm mạnh nhất là gì, điểm yếu nhất là gì, những mục tiêu mà bạn cần đạt được trong chiến dịch lần này là gì? Viết ra tất cả những ý tưởng nảy ra trong đầu bạn bằng những gạch đầu dòng, khoan vội sửa chữa hay gạch bỏ bất kì điểm nào.
Tiếp theo, từ những dữ liệu đã tổng hợp được, bạn hãy chọn ra những điểm quan trọng, những mục tiêu cần ưu tiên nhất. Đây là bước rất quan trọng giúp bạn tập trung vào đúng mục tiêu và nắm chắc được sức mạnh, lợi thế cũng như điểm yếu. Bạn nên tham khảo ý kiến của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo công ty để biết rõ mục tiêu nào thật sự quan trọng, cần ưu tiên, đặc biệt là thống nhất về về vấn đề ngân sách.
Bước 2: Đánh giá yếu tố tác động bên ngoài
Việc tiếp theo bạn cần làm là tóm tắt những cơ hội cũng như những thử thách mà công ty, dự án, sản phẩm của bạn đang phải đối mặt. Đây là những yếu tố khách quan mà bạn không thể kiểm soát nhưng ít nhiều có thể dự đoán để chuẩn bị. Cơ hội sẽ nằm ở các yếu tố: thị trường mới, sản phẩm mới và các xu hướng tiêu dùng mới. Các thử thách chính là đối thủ cạnh tranh cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ, ảnh hưởng của chính sách…
Lên danh sách các đơn vị, tổ chức là khách hàng mục tiêu để qui hoạch thị trường tiềm năng . Có nhiều khách hàng chưa từng nằm trong danh sách khách hàng mục tiêu và trước nay chưa có nhu cầu đối với sản phẩm nhưng đến một lúc nào đó, khi điều kiện thay đổi nhu cầu sẽ phát sinh.
Kế đến, đặt mình vào vị trí của từng đối tượng khách hàng đề tìm hiểu xem phương tiện truyền thông nào họ ưa dùng, loại thông điệp nào có tác động lớn nhất đến họ, yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nào là phù hợp, yếu tố nào bị người tiêu dùng xem là phản cảm.
Bước 3: Xây dựng chiến lược
Bây giờ bạn có thể tập hợp các danh sách lại với nhau, tìm kiếm điểm gặp nhau giữa các thế mạnh của công ty và thị trường mục tiêu. Trong điều kiện mà bạn đang có, những điểm nào bạn có thể loại ra khỏi danh sách vì nó không phải là mục tiêu chiến lược? Sau đó, tiếp tục loại bỏ những đối tượng không thuộc thị trường mục tiêu mà bạn hướng đến.
Ví dụ, định vị của một nhà hàng nọ là chuyên chế biến cung cấp các món ăn tốt cho sức khỏe dành cho những người yếu thích xu hướng sống xanh và có thu nhập cao hơn mức trung bình. Vì vậy, trong chiến lược marketing của mình , họ loại trừ những người thích ăn thức ăn nhanh và những người thích giá rẻ.
Kết quả của bước thứ ba là một chiến lược hoàn chỉnh: Thu hẹp trọng tâm của bạn vào những ưu điểm và mục tiêu của chiến dịch với những yếu tố hấp dẫn thị trường mục tiêu. Kèm theo đó là các công cụ, nhân lực ngân sách và chiến lược thực hiện kế hoạch.
Bước 4: Đo lường
Đo lường mọi chi tiết có thể đo lường được để có cơ sở đánh giá hiệu quả của kế hoạch. Chiến lược tiếp thị của bạn phải là một kế hoạch cụ thể bao gồm bảng đánh giá hàng tháng, dự báo bán hàng, ngân sách, chi phí phát sinh, các số liệu phi tài chính... Nó cũng nên bao gồm dự đoán các bài thuyết trình, các cuộc gọi điện thoại, liên kết web, bài viết blog, tỉ lệ xem trang, tỉ lệ chuyển đổi, các cam kết và các chuyến đi mà bộ phận tiếp thị sẽ thực hiện trong suốt chiến dịch.
Phân công nhiệm vụ phù hợp cho cộng sự và chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của họ.
Bước 5: Thường xuyên đánh giá và hoàn thiện kế hoạch
Cũng như kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tiếp thị phải được phát triển liên tục cùng với doanh nghiệp. Các điều kiện, giả định cho kế hoạch sẽ phải thay đổi thường xuyên do bối cảnh kinh doanh va nhu cầu thị trường không bao giờ cố định. Một số điểm của kế hoạch khi áp dụng vào thực tế sẽ không đạt hiệu quả, do đó luôn phải đánh giá và sửa đổi để thích ứng với những gì bạn học được qua từng bước đi.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSG