4 bí quyết "nâng cấp" thông điệp tiếp thị

Cập nhật 12/08/2015 14:04

Bất kể là đã hoạt động lâu năm hay vừa mới thành lập, doanh nghiệp vẫn luôn muốn gia tăng tần số xuất hiện trước công chúng và trước khách hàng tiềm năng.

Bất kể là đã hoạt động lâu năm hay vừa mới thành lập, doanh nghiệp vẫn luôn muốn gia tăng tần số xuất hiện trước công chúng và trước khách hàng tiềm năng.


Tuy nhiên, doanh nghiệp đừng quá quan tâm đến lời hứa hẹn của các kênh tiếp thị rằng sẽ khiến nhiều khách hàng chú ý đến sản phẩm dịch vụ của mình. Thay vào đó, hãy chăm chút cho thông điệp tiếp thị, đảm bảo thu hút được sự chú ý từ khách hàng có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự thành công của doanh nghiệp.

Trên thị trường có vô số đối thủ với những ý tưởng đắt giá và những câu chuyện hấp dẫn, vì vậy thử thách của doanh nghiệp chính là vượt qua điều này để giành lấy sự quan tâm từ khách hàng. Những bước đi sau đây có thể giúp doanh nghiệp thật sự nổi bật trước đám đông.

1. Tập trung vào giá trị hơn là tính năng

Không nên chỉ nói với khách hàng về những tính năng của sản phẩm, như phần đông các đối thủ trên thị trường. Thay vào đó, hãy tập trung tạo ra một thông điệp đề cao giá trị đích thực mà khách hàng của doanh nghiệp sẽ nhận được.

Một thông điệp tuyệt vời sẽ bao gồm những lợi ích cá nhân lẫn cảm xúc bên cạnh những yếu tố thiên về chức năng. Người mua thường đưa ra quyết định mua sắm dựa trên sự kích thích về cảm xúc, bao gồm cách sản phẩm sẽ cải thiện trải nghiệm cá nhân và cách họ cảm nhận. Do đó, đừng ngại khi dòng tin quảng bá của bạn quá tập trung vào mô tả cảm giác của khách hàng.

2. Đừng quên “vì sao”

Mỗi một doanh nghiệp ra đời thường mang dấu ấn của người sáng lập, vì một lý do riêng biệt. Có thể vì cảm thấy khó chịu về một vấn đề và bắt đầu thành lập công ty sau khi tìm ra cách giải quyết vấn đề ấy, hoặc họ thành lập một doanh nghiệp với nỗ lực góp phần thay đổi xã hội. Đừng bỏ qua điều này!

Hãy mạnh dạn đưa “sứ mệnh, tầm nhìn” của doanh nghiệp vào trong thông điệp. Đảm bảo những mục đích cao đẹp sẽ được khắc họa rõ nét trong câu chuyện kể.

Những khách hàng sẽ muốn trở thành một phần trong bức tranh ấy nếu họ thực sự quan tâm đến vấn đề xã hội, cộng đồng hoặc từ thiện. Những người mua sắm sở hữu cùng suy nghĩ, lý tưởng sống với doanh nghiệp sẽ chọn doanh nghiệp thay vì các đối thủ khác, vì họ tin rằng những giá trị sống mà doanh nghiệp mang đến từ sản phẩm, dịch vụ là chân thành và có mục đích.

3. Phát triển hình ảnh khách hàng

Bất kỳ một doanh nghiệp thành công nào trên thế giới cũng đều xác định rất rõ hình ảnh khách hàng lý tưởng của mình.

Tạp chí Men’s Health hướng tới nhóm độc giả nam thanh niên ở độ tuổi 30 có thu nhập cao luôn nỗ lực cải thiện và làm giàu cuộc sống. Khách hàng của Target - một trong số những cửa hàng bán lẻ lớn nhất thế giới, là những người luôn tìm kiếm sản phẩm có chất lượng tốt với mức giá hợp lý và yêu cầu mức dịch vụ tốt nhất tại cửa hàng tạp hóa họ thường lui tới mỗi tuần.

Vai trò của việc hình thành một tính cách, chân dung của khách hàng lý tưởng là bài tập tiên quyết của bất kỳ nhà hoạch định chính sách tiếp thị nào. Tính cách tâm lý, độ tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, nghề nghiệp (lĩnh vực, môi trường công tác), nơi sinh sống (thành thị, ngoại ô…), cách sử dụng thời gian mỗi ngày, đọc gì và lấy thông tin từ đâu, những thói quen,… của khách hàng lý tưởng đều phải được chú trọng.

Hãy dựa vào những đặc tính của khách hàng lý tưởng và cơ hội kinh doanh tốt nhất trên thị trường để xác định ra 2 - 4 chân dung khách hàng càng chi tiết càng tốt và đặt tên cho họ (chẳng hạn: A - nhà phát triển phần mềm cao cấp, có hai con và thích chạy bộ vào mỗi cuối tuần).

Những gì tìm hiểu và phát hiện được từ hình ảnh khách hàng lý tưởng ấy sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc đưa ra các hoạt động tiếp thị tương ứng.

4. Nền văn hóa có thể trở thành tâm điểm

Nếu doanh nghiệp không có gì thực sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, cũng đừng vội bỏ cuộc. Internet giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm những cách thức mới, thú vị và rất phi truyền thống để trình bày sản phẩm/dịch vụ trước mắt khách hàng.

Hãy xem xét giá trị của doanh nghiệp từ trong ra ngoài bên cạnh giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ. Có thể doanh nghiệp có những khác biệt về nền văn hóa rất đáng nêu bật, chẳng hạn như giá trị cốt lõi, sứ mệnh đặc biệt, chương trình đào tạo nhân viên hay công việc hỗ trợ đóng góp cho cộng đồng… Điều này cũng có thể đặt vị trí của doanh nghiệp tại một nơi rất khác trong tâm trí người tiêu dùng hay đối tác.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT