Tranh chấp đất đai thừa kế

Cập nhật 22/02/2017 15:36

Ông nội tôi mất năm 1989, sau đó bà nội do bệnh mất năm 2009 để lại số tài sản gồm đất 03 thửa với diện tích tửng thửa như sau:

Ông nội tôi mất năm 1989, sau đó bà nội do bệnh mất năm 2009 để lại số tài sản gồm đất 03 thửa với diện tích tửng thửa như sau:

1. Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03, diện tích 2.650m2;

2. Thửa đất số 169, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.990m2;

3. Thửa đất số 924. tờ bản đồ số 03, diện tích 1.319m2.

Bà nội mất không để lại di chúc thừa kề cho ai (các thửa đất trên do bà nội đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Đến năm 2011 thì có xảy ra tranh chấp đất với hộ gia đình kế bên về ranh giới. Sau đó người chú tôi đã làm tờ họp mặt gia đình để yêu cầu anh em ủy quyền cho ông đứng tên để đúng ra tranh chấp dất với hộ gia đình kế bên (do lúc đó bà nội còn đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đã mất nên không thể tranh chấp được khi ra tòa án). Trong đoạn tờ họp mặt có đoạn: Nay vào lúc 9h30p chúng tôi họp mặt thỏa thuận đồng ý cho em tôi là … thừa hưởng toàn bộ tài sản của cha mẹ để lại khi ông bà đã qua đời và không có tờ di chúc… Vì xét thấy em tôi (là chú tôi) đã chung sống cha mẹ tôi và đã chăm sóc cha mẹ tôi khi già yếu đến khi mất, thì số tài sản đó để lại cho em tôi là hoàn toàn chính đáng, khi thờ phụng cha mẹ. Tài sản gồm đất là 2560 m2 chia ra như sau: 400m2 đất thộ cư, 2250 m2 đất vườn; 1001,6 m2 đất 2 lúa trên sơ đồ bản đồ số 03, số thửa là 165 và 169 cấp ngày 23 tháng 11 của… (xin được dấu tên). Sau đó được đi chứng ở phường và ở thị trấn.

Tôi xin trình bày đôi nét về tờ họp mặt này:

- Thứ nhất Tờ họp mặt do chú tôi tự ý ghi một mình (chuản bị sẵn) sau đó chở từng anh em xuống thị trấn để kí tên chứ không kí ở nhà.

- Thứ hai bà nội tôi có 06 người con nhưng trong tờ họp mặt này chỉ có 05 người kí còn một người chưa kí tên do chú tôi ghi trong tờ họp mặt có 05 người

- Thứ ba chưa có người làm chứng kí tên (Tức người ở cạnh nhà)

- Thứ tư là trong tờ họp mặt chưa ghi đủ diện tích đất vì 03 thửa tới 5859m2 mà trong giấy chỉ ghi như trên.

Do tin tưởng chú tôi kêu kí giấy là để tranh chấp đất nên ba tôi đã kí vào giấy trên. Sau đó chú tôi dã dùng tờ giấy này chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất lại toàn bộ tên của ông ta vào năm 2012

Sau đến năm 2013 cô tôi (người chưa kí vào tờ họp mặt) dã phát hiện và yêu cầu ông ấy chia lại 01 phần ông ấy cũng đồng ý nhưng cuối cùng không.

Hiện nay cô tôi tính viết đơn gởi đến Tòa án tỉnh yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chú tôi cả 03 thửa đất nói trên và chia lại thừa kế cho tất cả anh em.

Vậy trong trường hợp trên xin hỏi luật sư có khả năng hủy được giấy nêu trên không. Và ba tôi người đã kí tên vào tờ họp mặt có được chia tài sản thừa kế không?

Kính gửi Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty luật TNHH Đức An xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất: Chia thừa kế theo quy định pháp luật

Theo thông tin bạn cung cấp, di sản gồm đất 03 thửa với diện tích tửng thửa như sau:Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03, diện tích 2.650m2;Thửa đất số 169, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.990m2;Thửa đất số 924. tờ bản đồ số 03, diện tích 1.319m2.

Bà nội mất không để lại di chúc thừa kế cho ai (các thửa đất trên do bà nội đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Do bà bạn mất năm 2009, không để lại di chúc nên áp dụng quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005 thì di sản thừa kế của bà bạn được chia theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2006 thì: Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”

Thời điểm chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản áp dụng Luật Công chứng năm 2006 và Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã phân biệt rõ hai loại hoạt động công chứng và chứng thực; theo đó Công chứng viên của tổ chức công chứng thực hiện hoạt động công chứng tức là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; còn Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao giấy tờ bản chính, chứng thực chữ ký.

Trường hợp thứ nhất, nếu ở địa phương bạn đã có tổ chức công chứng và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch đã được chuyển cho các tổ chức công chứng theo Luật Công chứng thì Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bạn phải được công chứng tại tổ chức công chứng; việc ủy ban nhân dân phường chứng thực Hợp đồng của bạn là không đúng thẩm quyền.

Trường hợp thứ hai, ở địa phương đó chưa có tổ chức công chứng thì Ủy ban nhân dân phường vẫn có thẩm quyền chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của bạn. Người thực hiện là người được ủy ban nhân dân cấp xã giao thực hiện việc chứng thực theo quy định. Việc chứng thực tuân theo quy định tại Luật Công chứng và Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải khách quan, trung thực và phải chịu trách nhiệm về việc chứng thực của mình; trong trường hợp biết hoặc phải biết việc chứng thực hoặc nội dung chứng thực là trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì không được thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực phải giữ bí mật về nội dung chứng thực và những thông tin có liên quan đến việc chứng thực.

Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải được công chứng để có giá trị về mặt pháp lý. Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ nên chưa đủ cơ sở để khẳng định thỏa thuận đó có hợp pháp không.

Thứ hai: Thời hiệu và giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:

“2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Theo đó, thời hiệu để yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bà bạn mất), bố bạn và các đồng thừa kế khác có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế tại Tòa án nơi có bất động sản để được giải quyết.
 

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn. * Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.

Trân trọng. Chuyên mục Café Luật
 

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn