Tôi sinh năm 1983, được bố nuôi của tôi đứng ra làm giấy khai sinh với tên bố là bố nuôi tôi (ông Khâm), mẹ là mẹ đẻ tôi(bà Múi). Do bố tôi (ông Khâm) đã lấy một người phụ nữ (bà Nhung), rồi hai người không có con, sau đó cả ông Khâm và bà Nhung đều đồng ý hỏi mẹ đẻ tôi về làm vợ cho bố tôi và nhận tôi làm con chung.
Xin chào quý luật sư!
Tôi sinh năm 1983, được bố nuôi của tôi đứng ra làm giấy khai sinh với tên bố là bố nuôi tôi (ông Khâm), mẹ là mẹ đẻ tôi(bà Múi). Do bố tôi (ông Khâm) đã lấy một người phụ nữ (bà Nhung), rồi hai người không có con, sau đó cả ông Khâm và bà Nhung đều đồng ý hỏi mẹ đẻ tôi về làm vợ cho bố tôi và nhận tôi làm con chung. Bố tôi không làm giấy chứng nhận con nuôi. Bà Nhung chết năm 1999, ông Khâm chết năm 2005, đến nay mẹ đẻ tôi và tôi vẫn còn sống trên mảnh đất có giấy chứng nhận sử dụng đất tên ông Khâm, mẹ đẻ tôi không có giấy đăng ký kết hôn với ông Khâm. Vậy tôi, mẹ tôi có được quyền thừa kế mảnh đất ông Khâm để lại không?
Tôi xin cảm ơn!
Kính gửi Quý bạn đọc
Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vn và Công ty luật hợp danh Thiên Thanh xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:
Việc bà Nhung và ông Khâm mất đi có để lại di sản nhưng không có di chúc thì việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo pháp luật. Theo qui định tại Điều 676 BLDS: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
“- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Mẹ đẻ của bạn chỉ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật khi là đối tượng thuộc diện thừa kế theo pháp luật qui định. Cần xác định mẹ bạn có là vợ hợp pháp của ông Khâm theo qui định pháp luật không.
Trong giai đoạn bà Nhung còn sống và là vợ hợp pháp của ông Khâm thì mặc dù bà Nhung đồng ý đón mẹ bạn (bà Múi) về ở cùng và làm vợ của ông Khâm thì pháp luật cũng không công nhận mẹ bạn và ông Khâm là quan hệ vợ chồng. Theo Điều 4 – Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và năm 2000 đều qui định : “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.”
Giai đoạn sau khi bà Nhung mất (năm 1999), thực hiện theo qui định pháp luật tại Quyết định 35/2000/QĐ-QH10 của Quốc hội về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình thì mẹ bạn và ông Khâm phải đăng ký kết hôn theo qui định pháp luật: “ Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;”
Như vậy, sau ngày 01/01/2003, mẹ bạn và ông Khâm không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. Do đó, mẹ bạn không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của ông Khâm.
Bạn là con của ông Khâm (được ghi nhận trong giấy khai sinh) vì vậy theo pháp luật bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế theo pháp luật di sản của ông Khâm để lại. Việc thừa kế toàn bộ mảnh đất ông Khâm để lại hay không còn phụ thuộc vào các diện thừa kế của ông Khâm để khai nhận di sản thừa kế. Bạn và các đối tượng khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có) sẽ khai nhận di sản thừa kế. Việc chia di sản thừa kế thực hiện theo qui định tại Điều 685 – Bộ luật dân sự.
“ Phân chia di sản theo pháp luật
1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.”
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn hoặc qua Tổng đài tư vấn 19006665
* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.
Trân trọng.
Chuyên mục Café Luật
DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.
Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
DiaOcOnline.vn