Sau thời gian Bộ TN&MT đưa ra dự thảo về tăng cường xử lý vi phạm về đất đai từ đầu năm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định (có hiệu lực từ 25/12/2014) với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, “điểm nóng” được các giới quan tâm chính là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân.
So sánh với tinh thần Dự thảo hồi tháng 8 được Bộ TN&MT đưa ra, chế tài áp dụng cho hành vi chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất nêu trong Nghị định rất rõ ràng. Nhưng, vẫn còn không ít bước đệm để chính sách đi vào cuộc sống.
Đau đáu chờ… nhà quản lý
Trước khi Nghị định mới nhất được ban hành, hành lang pháp lý kèm theo các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được thực thi theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ (thực thi từ 1/1/2010, thay thế Nghị định 182/2004-NĐ-CP).
Trong đó, các hành vi vi phạm thuộc phạm vi xử phạt của Nghị định 105 bao quát ở: sử dụng đất không đúng mục đích, lấn đất, chiếm đất, gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác, cung cấp dữ liệu đất đai không đúng quy định pháp luật, chậm cung cấp dữ liệu đất đai.
Chi tiết về mức độ hậu quả, khung phạt của các “lỗi” cũng như thủ tục, quy trình, thẩm quyền đơn vị hữu trách đều rất rõ ràng. Tuy nhiên, cả 2 Nghị định “tiền đề” trong 10 năm qua đều bỏ lọt (hoặc chưa kịp cập nhật - PV) hành vi chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân của tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán.
Năm 2014, khi Bộ TN&MT dự thảo về tăng cường xử lý vi phạm đất đai, dư luận hồ hởi trước động thái nhà hoạch định chính sách đã chú ý tới “mảng tối” này trong ngành xây dựng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn với nhiều điểm bất hợp lý trong Dự thảo.
Cụ thể, cuối tháng 8, người dân cũng như giới thạo luật đều cho rằng quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện là không hợp lý (theo nội dung Dự thảo).
Người trong cuộc vẫn dài cổ ngóng sổ
|
Đơn giản, vi phạm sử dụng đất (như lấn chiếm, không đăng ký biến động sử dụng đất, chậm cấp sổ đỏ) vốn kéo dài trong nhiều năm. Tới thời điểm bị cơ quan chức năng phát hiện, cá nhân/đơn vị vi phạm chỉ việc “khai man” thời điểm bắt đầu vi phạm lên hơn 2 năm là nhà quản lý sẽ... bó tay!
Hiện, Nghị định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong đất đai đã được phê chuẩn và công khai với nhiều thay đổi căn bản. Điển hình, về lỗi chậm cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở có thể sẽ bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.
Người thi hành công vụ?
Người dân Thủ đô không còn xa lạ với thảm cảnh hàng nghìn sổ đỏ căn hộ chung cư tồn đọng do giới DN chưa tròn trách nhiệm trong suốt thời gian qua.
Cũng như vậy, những “chuyện lạ” xảy đến trong quy trình quản lý, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở của cơ quan chức năng vẫn đều đặn “lên mặt báo”.
Ở quận Hoàng Mai, là sự cố cấp 123 sổ đỏ sai pháp luật ở phường Định Công, dẫn tới việc quận phải tức tốc xử lý thu hồi (năm 2013). Trước đó, năm 2012, nguyên Chủ tịch phường Định Công đã lĩnh án tù, với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “hô biến” 23.044m2 đất nông nghiệp thành đất thổ cư và cấp sổ đỏ.
Tháng 7/2013, báo chí phản ánh vụ việc quận Cầu Giấy ra quyết định thu hồi 5 sổ đỏ (tương đương 1.263,5m2 đất) tại phường Nghĩa Đô. Lý do: theo kết luận của quận hồi tháng 8/2012 và Thanh tra Tp.Hà Nội (tháng 5 - 6/2013), là trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ có sai sót.
Vấn đề là ở chỗ, các chủ sở hữu thuộc diện bị thu hồi sổ đều đã thực hiện xin cấp theo đúng hướng dẫn của cán bộ chức năng. Đồng thời, 5 thửa đất nói trên đều đã được người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính (14 tỷ đồng) khi UBND quận cho phép làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin cấp sổ từ 2009.
4 năm sinh sống với sổ đỏ được cấp, bỗng nhiên “trát” quận tìm về và yêu cầu thu hồi sổ, thậm chí cưỡng chế. Đồng thời, nhiều lời đề nghị sẵn sàng mua lại các lô đất thuộc diện bị thanh tra càng làm các chủ hộ hoang mang. Sau cùng, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trực tiếp cấp sổ lại không được đề cập tới trong việc sai trình tự, thủ tục.
“Nạn” ì ạch cấp sổ đỏ cho nhà đã bàn giao (mua theo Nghị định 60 và 61/CP) còn nằm ở chính các đơn vị, lãnh đạo sở tại “gần dân” nhất (cấp phường xã).
Tháng 11 vừa qua, dư luận “choáng” vì mức giá dịch vụ làm sổ đỏ lên tới 50 triệu đồng/sổ, được DN giới thiệu với người dân tổ 6, 22 phường Trung Hòa. Theo tìm hiểu, nhiều năm trước, những cán bộ, giáo viên của trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ được nhà trường phân đất tập thể rồi xây nhà, sinh sống ổn định.
Từ lúc có Nghị định 61 và Nghị định 34/2013, Trường vẫn chưa bàn giao nhà về Sở Xây dựng để hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho dân theo đúng trình tự, thủ tục. Cuối cùng, khi đang tiến hành bàn giao, Trường đã mời một DN Dịch vụ địa chính tới tư vấn cho người dân xin cấp sổ đỏ với mức giá “trên trời”.
Trách nhiệm của những đơn vị bán nhà 61 theo kiểu “rùa bò” ra sao, sai phạm có hay không và xử lý thế nào, chưa minh định trên văn bản?!
Năm 2011, Hà Nội còn tồn 15.000 hồ sơ mua nhà 61 nằm chờ cấp sổ. Con số này hiện là bao nhiêu (sau khi áp dụng Nghị định 34/2013), chỉ cơ quan chức năng nắm rõ… Còn người trong cuộc vẫn dài cổ ngóng sổ.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh