Trong buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/10, nhìn vào chất lượng câu hỏi và trả lời có thể thấy rằng, để giải đáp những bức xúc...
Nhà đất luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. |
Trong buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/10, nhìn vào chất lượng câu hỏi và trả lời có thể thấy rằng, để giải đáp những bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực luôn "nóng" là đất đai, thì nỗ lực riêng của một cơ quan khó có thể làm được.
Trong hàng nghìn thắc mắc được gửi trực tiếp về Bộ Tài nguyên và Môi trường, các câu hỏi liên quan đến chủ trương, chính sách chung được lãnh đạo Bộ trực tiếp trả lời, những hỏi liên quan đến trách nhiệm của địa phương được Bộ chuyển thẳng về các sở.
Thực tế, bên cạnh những câu hỏi về môi trường, khoáng sản, những vấn đề thực tế liên quan đến đất đai như cấp sổ đỏ, thuế chuyển nhượng nhà đất, giá đất đã chiếm được sự quan tâm nhiều nhất từ phía người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam (Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn khi những hướng dẫn chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ mới khiến việc tách bìa đỏ cho khu đất ở đã được đặt cọc tách sổ của ông chưa thể thực hiện ngay được. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho ông và gia đình.
Về vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sụng một số điều của Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, kể từ ngày 1/8/2009, trên cả nước, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất sẽ thay thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ.
Trong khi chờ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành cấp loại giấy mới trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn về việc tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ.
Cũng liên quan đến vấn đề cấp sổ đỏ, ông Trần Nhật Bình (Quảng Ngãi) lại phàn nàn về thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn "hành dân".
Theo ông Bình, tại Quảng Ngãi, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thường yêu cầu người dân làm những thủ tục ngoài văn bản. Và mặc dù tỉnh đã có cơ chế khuyến khích người dân "tố cáo" đến cơ quan có thẩm quyền những hành vi trên, nhưng theo ông Bình, với một cơ chế chưa minh bạch, làm như thế có khi lại tiền mất tật mang, mà giấy chứng nhận lại chẳng được cấp.
Nhận câu hỏi trực tiếp từ độc giả, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi thừa nhận những phản ánh nêu trên của người dân là hoàn toàn chính xác và sở này sẽ có văn bản gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố chấn chỉnh những sự việc xấu trên.
Ngoài sự quan tâm đến vấn đề cấp sổ đỏ, nhiều ý kiến gửi đến cuộc giao lưu trực tuyến của bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề kiểm soát đất công tại những tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Bà Phạm Thúy Quỳnh (Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang tồn tại nghịch lý là trong khi có nhiều doanh nghiệp đang thiếu mặt bằng, diện tích để kinh doanh, đất cho xây dựng trường học, bệnh xá và các dịch vụ công cộng đang thiếu trầm trọng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không xin được đất phải đi thuê với giá cao thì một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại được ưu ái giao cho nhiều đất nhưng lại để hoang hóa, cho thuê lại giá cao hoặc chia chác, sử dụng sai mục đích đất công.
Liên quan đến nội dung trên, trong báo cáo Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội gửi đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố từ 2006 đến nay đã chỉ rõ, hiện 70 bộ, ngành, các cơ quan Chính phủ, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và 21 tổng công ty Nhà nước đang quản lý và sử dụng 2.318 cơ sở với diện tích đất lên tới 26,3 triệu m2.
Qua kiểm tra rà soát đã phát hiện 135 cơ sở nhà đất sử dụng không đúng mục đích, khai thác không hiệu quả, cho thuê, liên doanh liên kết. Hà Nội đã đề nghị xử lý thu hồi 32.415 triệu m2 đất, gần 21 nghìn m2 nhà, 13 cơ sở sử dụng không phù hợp với quy hoạch, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất hơn 155 nghìn m2, xử lý thu hồi sử dụng mục đích công cộng gần 110 nghìn m2.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ này đang trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị để kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức sử dụng đất đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai như để hoang hóa không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích được giao. Quan điểm của Bộ là việc xử lý sẽ quyết liệt chứ không dừng ở việc "hô hào rồi để đấy".
Vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất ra sao cũng nhận được sự quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Dũng (Quảng Bình) cho biết, do không có diễn đàn nào để hỏi Bộ Tài chính về vấn đề "nóng" trên, nên ông rất muốn nhận được sự hướng dẫn cặn kẽ từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông hỏi: "Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trước ngày 1/7/2004 mà chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của bên chuyển nhượng (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền) thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Vậy trong trường hợp được cấp giấy chứng nhận nói trên thì người đang sử dụng đất có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không?"
Tuy nhiên, câu trả lời mà ông và nhiều độc giả có mối quan tâm tương tự nhận được từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường là: "Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường"!
Một lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong cuộc giao lưu trên rằng, điều trông đợi nhất trong mỗi cuộc "online" của Bộ chính là tạo ra một kênh thông tin trực tiếp để người dân, doanh nghiệp có thể trình bày những gì họ cần Bộ trả lời hay đòi hỏi Bộ phải xử lý.
Bộ cũng có cơ hội nắm bắt những vướng mắc về mặt chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực bộ quản lý trong quá trình vận hành ảnh hưởng đến với người dân và doanh nghiệp ra sao.
Song, theo ý kiến của một số doanh nghiệp theo dõi sự kiện trên, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai vẫn chưa được bộ giải thích thỏa đáng, một phần nguyên nhân trong đó là do cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành có liên quan trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đất đai còn chưa chặt chẽ và thiếu hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy