Xử lý nghiêm việc tung tin làm giá đất

Cập nhật 07/06/2010 08:15

Ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết chuyện giá cả đất đai tăng ở khu vực phía tây Hà Nội, nguyên nhân cơ bản có thể là do “làm giá”, kích cầu ảo, mua đi bán lại trong giới đầu tư với nhau.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết chuyện giá cả đất đai tăng ở khu vực phía tây Hà Nội, nguyên nhân cơ bản có thể là do “làm giá”, kích cầu ảo, mua đi bán lại trong giới đầu tư với nhau.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông.

* Những thông tin chưa chắc chắn về quy hoạch Hà Nội đã tạo ra một “cơn sốt” đất ở khu vực này. Sau “cơn sốt” thì hậu quả sẽ thế nào, thưa ông?



Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: T.Phùng
Mong muốn kiếm được lợi nhuận khi đầu tư đất đai hoặc của người dân có đất bán được giá là chính đáng. Nhưng nếu không quản lý tốt sẽ rất ảnh hưởng, trước hết là ảnh hưởng đến quy hoạch.

Hiện nay toàn bộ khu vực phía tây đang có dự kiến quy hoạch. Nhưng đó là dự kiến, quy hoạch chi tiết mới quan trọng. Do vậy, người dân khi mua bán, chuyển nhượng mà không phù hợp với quy hoạch chi tiết thì một mặt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mặt khác dễ “tiền mất tật mang” mà Nhà nước lại phải chi phí lớn.

Nếu người dân có nhu cầu đầu tư vào đất đai thật sự thì không ai có thể ngăn cấm họ được. Nhưng đầu tư cũng cần xem xét cơ hội đó thế nào. Mọi người phải cân nhắc kỹ việc mình đầu tư vào đâu cho hiệu quả.

* Hiện giao dịch đất đai ở khu vực phía tây đang chững lại và nhiều người dự đoán “bong bóng bất động sản” ở đây có thể vỡ?


Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm công bố những quy hoạch sớm, giải thích cho dân để người dân hiểu rõ, có thông tin. Còn người dân cũng nên bình tĩnh, tìm hiểu thông tin chính thống chứ không nên để cuốn vào “cơn lốc”.

* Tình trạng đầu cơ đang tạo sự bất hợp lý trên thị trường bất động sản, gây nên những biến động không đáng có. Cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát hữu hiệu hơn?

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ đã kiến nghị cần có những biện pháp kiểm soát mạnh hơn. Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, tình hình chuyển nhượng thì cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật đất đai, tung tin thất thiệt, lừa đảo kiếm lời bất chính.

Riêng trong đợt kiểm tra đất đai ở phía tây Hà Nội vừa qua, chúng tôi nhận thấy loại đất giao dịch trên thị trường phía tây Hà Nội chủ yếu là đất trồng rừng sản xuất, đất vườn có một phần đất ở được cấp sổ đỏ. Pháp luật về đất đai cho phép chuyển nhượng loại đất này nhưng điều kiện chưa chặt chẽ. Đất nông nghiệp trồng cây hằng năm chỉ cho phép chuyển nhượng giữa những người sản xuất trong nội bộ địa phương. Nhưng đất trồng rừng sản xuất, đất vườn được giao 50 năm thì không quy định nên người dân cứ xẻ bán cũng phải cho họ chuyển nhượng. Trường hợp này nếu kiểm soát bằng giải pháp phải có phương án sản xuất, đầu tư mới thì mới được phép chuyển nhượng cũng sẽ hạn chế được.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO