Xử lý dự án “treo”: Không có ngoại lệ!

Cập nhật 12/04/2013 09:56

Ngày 11-4, tại buổi giao ban trực tuyến giữa UBND TP Hà Nội với 29 quận, huyện, thị xã về thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các dự án treo và dự án vi phạm pháp luật đất đai, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu: "Trước hết vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp đỡ họ sử dụng đất hiệu quả. Nếu đúng là chủ sử dụng đất không có năng lực hoặc vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật".

Ngày 11-4, tại buổi giao ban trực tuyến giữa UBND TP Hà Nội với 29 quận, huyện, thị xã về thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các dự án treo và dự án vi phạm pháp luật đất đai, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu: "Trước hết vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp đỡ họ sử dụng đất hiệu quả. Nếu đúng là chủ sử dụng đất không có năng lực hoặc vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật".

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, từ năm 2009 đến quý I-2013, Sở TNMT đã thanh tra 653 tổ chức. Kết quả, 39 dự án với tổng diện tích 425,2ha được Nhà nước giao đất, cho thuê nhưng thực hiện chậm 24 tháng so với tiến độ được phê duyệt; 514 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; 482 dự án sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật.

Sau khi áp dụng các biện pháp nhắc nhở, xử lý vi phạm, 16 dự án trong danh sách chậm 24 tháng so với tiến độ được phê duyệt đã triển khai. Tương tự, 19 dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất đã khắc phục được vi phạm. 302 dự án khác cũng chủ động ra khỏi danh mục dự án "treo", đưa đất vào sử dụng có hiệu quả. Thành phố đã xử phạt hành chính hàng trăm đơn vị vi phạm. Đáng chú ý, thành phố đã ra quyết định thu hồi hơn 8,3 triệu mét vuông đất vi phạm pháp luật đất đai. Nhiều dự án thu hồi được UBND TP giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học, công trình công cộng.

Một dự án “treo” gây lãng phí tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở TNMT cũng thừa nhận, số dự án "treo" hay có vi phạm pháp luật đất đai vẫn còn nhiều. Gần như tất cả các quận, huyện, thị xã đều có những dự án chậm triển khai, nằm "bất động" nhiều năm nay. Nguyên nhân cơ bản là do các nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc có thay đổi phương án sản xuất kinh doanh mới. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách về tín dụng đã gặp khó khăn lớn về vốn để thực hiện các dự án. Thêm vào đó, thị trường bất động sản "đóng băng", nên nhiều chủ đầu tư cũng bỏ lửng dự án. Minh chứng điều này, ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nêu: "thị xã có 6 dự án "treo". Có dự án chuẩn bị từ năm 2004, rồi "treo" từ đó đến nay. Có dự án chỉ làm hàng rào, 7-8 năm nay vẫn nguyên trạng... Tìm hiểu ra, các nhà đầu tư này rất hạn chế năng lực tài chính hoặc đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn".

Dự án "treo", quây hàng rào giữ đất... ai cũng có thể nhìn thấy nhưng kiểm tra, xử lý lại vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm, hầu hết các đối tượng khi thanh tra, kiểm tra đều không hợp tác bằng cách cáo bận không tiếp, không cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ, cố tình tránh mặt mặc dù thanh tra biết vẫn đang ở tại văn phòng... Thậm chí, việc cố tình chống đối, cản trở cơ quan chức năng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải chia sẻ: "Nhiều dự án "treo" bị thu hồi phải dùng biện pháp cưỡng chế mới vào được khu đất để đo đạc".

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đánh giá kết quả xử lý dự án "treo", vi phạm đất đai mới chỉ là bước đầu. Điển hình là nhiều vi phạm chưa xử lý triệt để, việc chống đối cơ quan chức năng vẫn diễn ra phức tạp. Vì vậy, UBND các quận, huyện, thị xã và ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả xử lý. "Phải tập trung cao độ hơn để phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật đất đai. Trong đó, ý kiến cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng là các kênh thông tin quan trọng cần được cập nhật, theo dõi..." - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, chủ trương nhất quán là "xử lý vi phạm nghiêm minh, đúng quy định pháp luật và không có ngoại lệ", nhưng bên cạnh đó cũng phải xem xét thấu đáo. Cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, các chủ sử dụng đất nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trường hợp đã hướng dẫn, nhắc nhở, thậm chí cho phép gia hạn rồi hoặc tháo gỡ khó khăn rồi nhưng năng lực hạn chế, dự án không chuyển động thì phải lập hồ sơ thu hồi. Với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố tình không hợp tác, chống đối, cản trở cơ quan chức năng, có thể chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới