Sáng qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến đối với Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, mô hình công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi thời gian qua, liên quan đến hàng trăm dự án, công trình đã và đang xây dựng…
Nhiều ý kiến cho rằng chiều cao hai tòa nhà ngân hàng không ăn nhập với không gian hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. ảnh: Như Ý Nhiều ý kiến cho rằng chiều cao hai tòa nhà ngân hàng không ăn nhập với không gian hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. ảnh: Như Ý |
Kiểm soát chặt chẽ công trình cao tầng
Phạm vi điều chỉnh của Quy chế này gồm 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, phía bắc quận Hai Bà Trưng) với diện tích nghiên cứu khoảng 3.881 ha. Theo dự thảo Quy chế, khu vực không xây dựng cao tầng gồm: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long quy mô khoảng 18,35ha, khu phố cổ diện tích khoảng 82 ha, khu vực hồ Gươm và phụ cận diện tích khoảng 63,72 ha. Khu vực hạn chế xây dựng cao tầng gồm: Trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cũ, khu vực xung quanh hồ Tây, khu vực hạn chế phát triển; khu Văn Miếu và phụ cận; khu vực cải tạo chỉnh trang-kiểm soát đặc biệt; khu vực cải tạo chỉnh trang- kiểm soát phát triển.
Khu vực cho phép xây dựng cao tầng gồm: Đoạn từ Vành đai 2 - Nguyễn Chí Thanh; đoạn từ Nguyễn Chí Thanh - Láng Hạ; đoạn từ Láng Hạ - Hoàng Cầu; Nguyễn Lương Bằng - Phạm Ngọc Thạch; Phạm Ngọc Thạch - Giải Phóng có tầng cao tối đa từ 21-24 tầng. Được xây cao tối đa từ 24-27 tầng các đoạn từ cầu Nhật Tân-vành đai 2-Xuân La; đoạn từ Xuân La - Hoàng Hoa Thám; Hoàng Hoa Thám-Đào Tấn; Cầu Giấy-Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Chí Thanh-Láng Hạ. Một số tuyến khác được xây cao tầng gồm: đường đê ven sông Hồng được xây tối đa từ 18-21 tầng. Một số tuyến đường xuyên tâm được cấp phép xây cao tầng gồm: Giảng Võ-Láng Hạ; Văn Cao-Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh; Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng-Tây Sơn; Giải Phóng-Lê Duẩn. Đường phố chính gồm: Hoàng Cầu-Hào Nam-Yên Lãng; Hàng Đậu-Phan Đình Phùng-Hoàng Hoa Thám; Lò Đúc-Kim Ngưu.
Khu vực điểm nhấn đô thị là các công trình cao tầng gồm: xung quanh hồ Giảng Võ, hồ Thành Công, xung quanh ga Hà Nội, Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái. Ngoài ra còn 9 nút giao thông được xác định là điểm nhấn cấp phép xây cao tầng. Các vị trí đặc biệt được xác định xây cao tầng như: Nút giao khu đô thị Tây Hồ Tây và vành đai 2; khu vực bán đảo phía đông Hồ Tây, khu vực Ga Hà Nội; khu vực Triển lãm Giảng Võ…
Loạn “điểm nhấn”
Một yêu cầu đặt ra của nhiều ủy viên thường vụ Thành ủy với UBND thành phố, cơ quan xây dựng quy chế là làm sao phải đảm bảo tính khoa học, thuận lợi cho công tác quản lý và đặc biệt không để xảy ra tình trạng “xin-cho”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định việc nghiên cứu ban hành Quy chế là vấn đề lớn và khó nhưng đơn vị nghiên cứu soạn thảo đã giải quyết cơ bản thỏa đáng các yêu cầu, đã giải quyết được các vướng mắc đặt ra. Ông Nghị cho rằng khi xác định điểm nhấn không nhất thiết phải là nhà cao tầng mà có thể là về kiến trúc-văn hóa. Quy chế sau khi được phê duyệt cần phổ biến rộng rãi đến người dân. “Tôi đề nghị cần ban hành Quy chế càng sớm càng tốt để khắc phục cơ chế xin-cho”, ông Nghị yêu cầu.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị khi ban hành Quy chế cần ban hành kèm theo danh mục các dự án, công trình thuộc đối tượng điều chỉnh để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng lúc chỗ này “quan trọng”, lúc chỗ kia “điểm nhấn”. Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn Quy chế và cũng sẽ ban hành rộng rãi danh mục các dự án, công trình được xây cao tầng hay không, cao bao nhiêu tầng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết việc xây dựng Quy chế này hết sức quan trọng nhằm khắc phục những nhược điểm trong quản lý công trình cao tầng, tình trạng không ăn nhập về không gian, cảnh quan. Nhiều công trình đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà vẫn phải chờ nhiều năm qua.
Cũng theo ông Thảo, ngay sau khi xin ý kiến ban thường vụ Thành ủy thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến trước khi UBND thành phố chính thức phê duyệt.
Hiện khu vực nội đô lịch sử có 289 công trình cao tầng hiện hữu. Trong đó, 55 công trình đã cấp phép xây dựng, đang thi công, 42 công trình đã cấp phép xây dựng nhưng chưa thi công, 192 dự án cao tầng khác thuộc đối tượng xem xét của quy chế.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong