TP HCM dự tính đến năm 2010, hoàn thành việc di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8, quận 6, Bình Tân, Tân Phú… nhằm “xóa” những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh.
TP HCM dự tính đến năm 2010, hoàn thành việc di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8, quận 6, Bình Tân, Tân Phú… nhằm “xóa” những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh.
Những khu “ổ chuột” được hình thành giữa lòng TP HCM là hậu quả kéo dài nhiều năm của việc quy hoạch kiến trúc không nhất quán, lỏng lẻo, yếu kém, nhất là ở các kênh rạch, dẫn đến tình trạng lấn rạch, dựng nhà trái phép.
Việc xóa các khu nhà “ổ chuột” không khó nếu có sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân. Bằng chứng là ngay trung tâm TP HCM, nhiều khu nhà “ổ chuột” được giải quyết triệt để như khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh), khu vực Rạch Bùng Binh (quận 3). Thái Lan cũng có mô hình xóa nhà ổ chuột rất hiệu quả, có thể tham khảo.
Kỳ vọng của TP HCM
Theo kế hoạch, đến năm 2010, TP HCM hoàn thành kế hoạch di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 8, quận 6, Bình Tân, Tân Phú… nhằm “xóa” những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh.
Theo UBND quận 8, hiện còn hơn 1.000 căn nhà nằm quanh khu vực Rạch Ụ Cây (thuộc phường 9, 10, 11); trong đó phần lớn là nhà có kết cấu tạm bợ, che vách bằng tôn, chống sàn bằng cây gỗ, không đảm bảo điều kiện sinh sống và cháy nổ. Tuy nhiên, khi dự án Đại lộ Đông Tây hoàn tất, khu vực này được chọn làm điểm lý tưởng để đầu tư xây dựng phố đi bộ, mua sắm. UBND quận 8 đang khẩn trương di dời, bố trí tái định cư cho các hộ này.
Ông Nguyễn Minh Sĩ, trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, cho biết, dự án di dời dân tại Rạch Ụ Cây sẽ được tiến hành từ nay đến hết năm 2010. Các hộ dân di dời, giải tỏa được tái định cư tại các chung cư theo tiêu chuẩn tái định cư của UBND TP HCM.
Người dân và chính quyền ngồi lại bàn cách xóa nhà ổ chuột. |
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP HCM,Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố cũng đang di dời khoảng 2.200 hộ dân ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm (thuộc các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú) để thực hiện dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Dự án nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện tình trạng ngập lụt của lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm này sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Với những kế hoạch đưa ra, chính quyền thành phố kỳ vọng, trong năm 2010, khu “ổ chuột” bên dòng kênh ô nhiễm bậc nhất ở TP HCM này sẽ được giải quyết, mang lại bộ mặt văn minh cho một thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước.
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Những khu nhà “ổ chuột” ở TP HCM có nét tương đồng với Thái Lan. Để giải quyết, chính quyền Thái Lan xây dựng dự án Bann Mankong (An cư), biến khu “ổ chuột” thành khu nhà ở tươm tất cho người nghèo với phương châm “người nghèo tự giúp đỡ mình và giúp đỡ người khác”.
Dự án Bann Mankong do Viện Phát triển cộng đồng Thái Lan (CODI) thành lập năm 2000. Nhiệm vụ chính của CODI là đàm phán với chủ đất những khu nhà ổ chuột để thuê lâu dài cho người dân. CODI còn cung cấp nhiều khoản cho vay hỗ trợ để người dân có tiền xây nhà mới và cải thiện hạ tầng cơ sở.
Cái hay của dự án này là dựa trên niềm tin: người nghèo cũng có tiềm lực để phát triển và thoát nghèo, nếu cơ hội đến với họ. Cách làm là khuyến khích các cộng đồng cùng hợp tác với chính quyền các thành phố một cách bình đẳng nhằm đạt được một quy hoạch tổng thể về nâng cấp, giải quyết các vấn đề giải tỏa. Đối với mỗi khu “ổ chuột” khác nhau, dự án sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Một số sẽ nâng cấp, xây dựng lại trên chính khu vực đó. Số khác sẽ phải dỡ bỏ hoàn toàn để chuyển sang khu vực khác thuận tiện hơn. Theo số liệu của dự án, từ năm 2004 đến 2008 ở Thái Lan có 703 dự án được duyệt với gần 77.000 hộ được hỗ trợ.
Theo bà Lê Thị Lệ Thủy (Hiệp hội Đô thị Việt Nam), thành công dự án Bann Mankong là kinh nghiệm đáng tham khảo để giải quyết vấn đề nhà “ổ chuột’ nhằm nâng cấp đời sống người dân và chỉnh trang đô thị ở Việt Nam: “Có ba bài học được rút ra từ dự án Bann Mankong: cách làm này ít xáo trộn đời sống người dân vì ít phải di dời; chi phí để người dân nâng cấp nhà cửa thấp vì cộng đồng có thể chia sẻ với nhau; chính quyền cũng ít nhọc công vì công việc đã được người dân tham gia gánh vác”.
Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền, Giám đốc Trung tâm Thực hành công tác xã hội, cũng đánh giá rất cao mô hình dự án Bann Mankong bởi sự phát huy tiềm lực của cộng đồng người nghèo trong việc giải quyết chính nơi ăn, chốn ở của họ và làm đẹp bộ mặt đô thị.
“20 năm trước chúng tôi đã nhận ra những kinh nghiệm để giải quyết các khu nhà ổ chuột như của dự án Bann Mankong nhưng gần đây mới thực hiện được. Vấn đề là làm sao để cộng đồng người nghèo có tiếng nói thật sự trong việc hoạch định nơi ăn, chốn ở của mình”, bà Lệ Thủy nói.
Bà Thủy cũng cho biết, một số thành phố của Việt Nam như Việt Trì, Vinh, Cà Mau... đang thực hiện xóa nhà ổ chuột theo mô hình Bann Mankong. Tại Cà Mau, dự án “Thiết kế, chỉnh trang tuyến dân cư ven sông rạch trung tâm thành phố Cà Mau (sông Tắc Thủ từ cầu Gành Hào đến kênh 16) đã khởi động từ tháng 12/2006. Một lãnh đạo thành phố Cà Mau cho biết: “Yếu tố quyết định là phải có sự tham gia của các bên thụ hưởng mới đánh giá được trọn vẹn lợi ích của dự án. Chúng tôi đã lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng và nhận được sự tin tưởng của người dân”.
Bà Thủy hy vọng, với sự thành công của Cà Mau trong việc chỉnh trang các khu nhà ổ chuột ven sông rạch theo mô hình Bann Makong, Việt Nam sẽ có một mô hình chung để chỉnh trang những tuyến dân cư đang sống ven sông rạch nhằm đem lại lợi ích cho hàng triệu người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt