Xếp hạng cho sàn địa ốc

Cập nhật 13/08/2010 11:35

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau gần 2 năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS (ngày 1/1/2009), hiện cả nước có hơn 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động...


Việc xếp hạng sàn giao dịch bất động sản sẽ giúp hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh
Bộ Xây dựng đang xây dựng Thông tư về phân hạng sàn giao dịch bất động sản (BĐS), nhằm tăng cường quản lý và minh bạch hoá thị trường.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau gần 2 năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS (ngày 1/1/2009), hiện cả nước có hơn 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một số sàn giao dịch hoạt động, số còn lại chỉ đăng ký hình thức, nên tỷ lệ giao dịch trên sàn rất thấp, chỉ 15 - 20%. Hầu hết các sàn giao dịch BĐS chưa thực hiện công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh như quy định, không thực hiện báo cáo định kỳ…

Bộ Xây dựng thừa nhận, việc quản lý sàn giao dịch BĐS còn thiếu chế tài cụ thể, trong khi thủ tục thành lập quá đơn giản và dễ dãi. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cấp dần các sàn để loại bỏ những sàn yếu kém, lợi dụng cơ chế để trục lợi. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp chưa tổ chức tốt và thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm của các chủ đầu tư và các sàn giao dịch trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Để tăng cường quản lý, minh bạch hoá thị trường, tạo môi trường phát triển tốt, theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư phân hạng sàn giao dịch BĐS, trong quý IV/2010 sẽ hoàn thành. Theo Dự thảo, sẽ phân hạng 1, 2 và 3, tuỳ theo quy mô, tình hình hoạt động của mình. Ngoài ra, có những sàn không theo được hạng 1, 2, 3 thì vẫn được phép hoạt động, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn như trong luật đề ra và các tiêu chuẩn đã đăng ký.

Tiêu chí xếp hạng sàn dự kiến sẽ tập trung vào quy mô hoạt động, như diện tích, cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị… Về tiêu chí nhân lực, người quản lý sàn giao dịch phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành; số lượng nhân viên làm công việc môi giới có chứng chỉ môi giới bất động sản… Thông tư cũng xây dựng những chế tài cụ thể, như quy định hình thức, định lượng xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của sàn giao dịch, thậm chí cả những trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có thời hạn hoặc vô thời hạn.

Ông Lương Chí Thìn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh cho rằng, để sàn giao dịch BĐS đi vào hoạt động quy củ, mỗi năm, Bộ Xây dựng cần phân loại, xếp hạng các sàn. Những sàn hoạt động tốt cần được vinh danh, công bố rộng rãi để người dân biết, đồng thời loại bỏ những sàn hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, chứng chỉ hoạt động BĐS nên có mục chất lượng và có thời hạn nhất định. Trong quá trình hành nghề, các sàn cần có hoạt động nâng cao trình độ hành nghề và đạo đức nghề nghiệp, tăng cường liên kết sàn khu vực.

TS. Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá rằng, việc công khai niêm yết và giao dịch BĐS qua hệ thống sàn giao dịch BĐS chưa có cơ chế giám sát và cập nhật thông tin đồng bộ, tình trạng “mạnh ai nấy làm” của các sàn đang diễn ra phổ biến, dẫn đến thông tin trên thị trường BĐS khó tiếp cận, không đầy đủ và thiếu minh bạch. Vì vậy, có thể Thông tư sẽ góp phần tích cực vào việc lành mạnh hoá thị trường BĐS.

Phần lớn ý kiến của doanh nghiệp đều ủng hộ việc sắp xếp, xếp hạng mạng sàn giao dịch BĐS. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đưa ra đề xuất nhằm giúp hệ thống sàn giao dịch BĐS hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các sàn hoạt động chưa có hiệu quả, lượng giao dịch thấp một phần là do chưa được sự hỗ trợ của từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước về thị trường BĐS. Mạng sàn giao dịch của cơ quan quản lý chưa hỗ trợ thông tin về thị trường cho các sàn thành viên như mong muốn. Để “nâng chất” các sàn, nên chăng, Bộ Xây dựng cùng với việc xếp hạng sàn, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ để các sàn hoạt động hiệu quả, đi vào chiều sâu, hơn là dựng lên các bộ tiêu chí để xếp hạng A, B, C rồi bỏ đó.

Cũng có ý kiến quan ngại rằng, việc xếp hạng sẽ làm nảy sinh tiêu cực, xuất hiện việc “xin - cho” hạng sàn, dùng danh thứ để đánh bóng tên tuổi…

Tuy nhiên, muốn phân loại hạng sàn như tiêu chuẩn khách sạn, thì ngay bản thân Bộ Xây dựng nên siết chặt việc cấp phép thành lập sàn, bởi lập sàn giao dịch BĐS theo chuẩn Bộ Xây dựng hiện nay là rất thoáng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư