Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) đang áp dụng hình thức đấu thầu khai thác quảng cáo, thay cho hình thức xã hội hóa về đầu tư ...
Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) đang áp dụng hình thức đấu thầu khai thác quảng cáo, thay cho hình thức xã hội hóa về đầu tư nhà chờ xe buýt trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết nguồn thu hàng tỉ đồng từ việc đấu thầu sẽ được đầu tư để xây dựng thêm nhà chờ xe buýt trên các tuyến quốc lộ.
Phóng viên: Thưa ông, việc xã hội hóa đầu tư nhà chờ xe buýt mấy năm qua có đem lại hiệu quả?
- Ông Nguyễn Ngọc Giao: Xã hội hóa là mượn tiền của doanh nghiệp để đầu tư, sau đó trả chậm từ tiền cho thuê quảng cáo nên số tiền mang về cho TP không đáng kể, ban đầu chỉ khoảng 1 tỉ đồng/năm, từ năm 2002 đến nay khoảng 3 tỉ đồng/năm.
Đợt đấu thầu quảng cáo trên 60 nhà chờ dọc các tuyến quốc lộ đã “rao” hơn 2 tháng nay nhưng chưa đơn vị nào tham gia. Xin ông cho biết nguyên nhân?
- Trung tâm có 363 nhà chờ, trong đó 221 nhà chờ đang hợp đồng cho doanh nghiệp thuê, phải đến quý IV mới tổ chức đấu thầu được. Ngoài ra, 82 nhà chờ khác chúng tôi đang trả tiền cho chủ đầu tư, nên chưa tổ chức đấu thầu. Do đó, hiện tại chỉ tổ chức đấu thầu 60 nhà chờ đã hết hợp đồng trên các tuyến quốc lộ với giá khởi điểm là 3,1 tỉ đồng. Các doanh nghiệp chưa “mặn mà” cũng dễ hiểu, vì các nhà chờ này đa số đều ở ngoại thành. Chúng tôi đang trông đợi 221 nhà chờ sẽ đấu thầu trong quý IV này.
Số tiền từ đấu thầu quảng cáo ước tính mỗi năm trung tâm có thể đầu tư, tái đầu tư bao nhiêu nhà chờ?
- Con số cụ thể thì chưa biết, nhưng trước mắt chúng tôi sẽ lấy khoảng 3 tỉ đồng trong quỹ phát triển và tái đầu tư của trung tâm để xây thêm 80 nhà chờ. Đặc biệt sẽ có 38 nhà chờ kiểu mới, tiện ích cho hành khách tại các tuyến Quốc lộ 52, Quốc lộ 22. Ngoài ra, chúng tôi cũng sơn sửa, tu bổ 221 nhà chờ chuẩn bị đưa ra đấu thầu như đã nói.