Đến năm 2020, Hà Nội dự tính sẽ xây dựng… 1.000 siêu thị, 64 Trung tâm thương mại (TTTM) với việc phải chi kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng/năm và sau năm 2020 là 10.000 tỷ đồng/năm.
Đó là thông tin mới nhất của UBND TP. Hà Nội mới đây cho biết. Đây được xem là một động thái của TP.Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt cho người dân Thủ đô trong tương lai.
Ảnh minh họa
|
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong cuộc họp giao ban mới nhất do UBND TP. Hà Nội tổ chức cho biết sự phát triển nhanh về kinh tế dẫn tới mức sống của người dân được nâng lên, vì thế nhu cầu mua sắm trở thành thói quen của người dân thủ đô. Việc xây dựng thêm các siêu thị, trung tâm kinh tế cũng nhằm mục đích giải quyết nhu cầu ấy.
Theo bà Lan, dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số Hà Nội sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân khoảng 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỷ USD… Dựa vào những số liệu dự báo đó, bà Lan cho biết quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn Thủ đô sẽ có khoảng 1.000 siêu thị, 64 TTTM lớn nhỏ.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có các mô hình chợ kết hợp TTTM nhằm huy động nguồn vốn trong doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư. Tức là việc xây dựng siêu thị, TTTM của TP.Hà Nội trong tương lai, về khoản chi phí sẽ có sự “phối hợp và tương tác” chứ không dựa hẳn vào nguồn tiền nhà nước.
Mặt khác, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, khi xây dựng siêu thị, TTTM không sử dụng quỹ đất mới hoàn toàn. Như vậy cũng là một điều tốt (nếu được thực hiện) vì không gian Hà Nội sẽ không bị các trung tâm mua sắm, siêu thị “che khuất” hoặc lấn chiếm, Hà Nội vẫn sẽ “xây cho nhà cao, cao mãi” nhưng vẫn giữ được sự thanh thoát.
Tuy nhiên dù có thế nào, việc có ý định xây dựng 1.000 siêu thị và 64 TTTM từ nay đến năm 2020 của TP.Hà Nội cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, nhìn nhận đa chiều và quan trọng hơn cả, các trung tâm và siêu thị ấy khi được đưa vào sử dụng phải phát huy được hiệu quả. Bởi lẽ, đáp ứng và giải quyết nhu cầu của người dân là việc làm cần thiết, nhưng không thể dựa vào yếu tố cần thiết là có thể tiến hành.
Bao giờ cũng thế, việc xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa… các công trình sẽ liên quan đến vấn đề tiền bạc. Và ai cũng hiểu, trong hoàn cảnh chung nền kinh tế hiện nay còn khó khăn thì việc đầu tư kinh phí cho sự vụ nào đó phải hết sức thận trọng tránh việc lãng phí hay thất thoát!
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng