Xây nhà sát Hồ Gươm: Hội KTS Hà Nội đã có ý kiến

Cập nhật 18/11/2014 08:46

"Cái cơ bản nhất hiện nay là chúng ta nên xem kỹ thiết kế được duyệt, giám sát xem nhà thầu có thi công đúng với thiết kế hay không?"

"Cái cơ bản nhất hiện nay là chúng ta nên xem kỹ thiết kế được duyệt, giám sát xem nhà thầu có thi công đúng với thiết kế hay không?"

Đó là nhận định của ông Phạm Cao Nguyên - Chủ tịch Hội KTS TP Hà Nội với báo Đất Việt, ngày 17/11.

Phải mang tính chất công cộng

Trước dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, tại số 2 phố Lê Thái Tổ, do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, ông Nguyên nói rõ: "Đối với dự án này, có 2 thời kỳ: Trước đây, có nhiều ý kiến không đồng ý vì chức năng xây dựng của công trình là làm BQL khu di tích Hồ Gươm, được đánh giá là hoàn toàn không đúng. Nên lúc đó, có ý kiến cho rằng nên để khoảng đất đó hòa vào với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau đó, một thời gian thì có ý kiến đề cập lại, nếu không xây, không giữ được mảnh đất đó thì cuối cùng lại thành hoang phí. Cho nên, nên xây nhưng với tính chất công cộng, vì thế, phía UBND quận Hoàn Kiếm mới đề xuất là chuyển đổi thành chức năng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, dùng để trưng bày các hiện vật mang ý nghĩa lịch sử của khu vực này".

Xây nhà sát Hồ Gươm: UBND quận "quên" hỏi Sở VHTT&DL

Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, với chức năng, mục đích sử dụng như vậy, nên Hội đồng KTS TP Hà Nội mới thống nhất và đồng tình. Với quan điểm là trước mắt nên đảm bảo làm sao cho khu đất đó không bị hoang phế.

Tuy nhiên, Hội cũng đưa ra các điều kiện cụ thể, đó là chỉ nên làm một công trình vừa phải, mang tính chất công cộng chứ không phục vụ cho lợi ích của một tổ chức nào. Nếu đưa vào sử dụng mục đích khác thì Hội hoàn toàn phản đối.

Ông Nguyên khẳng định: "Trong thiết kế được duyệt hoàn toàn không có chuyện đưa vào sử dụng với mục đích kinh doanh, nó hoàn toàn là nơi trưng bày hiện vật. Tòa nhà sẽ che đi dãy nhà phía sau, thực chất vốn dĩ rất xấu, làm ảnh hưởng đến không gian. Cũng vì lý do đó, nên cần làm một công trình gì để cho nó che đi, nên mới tạm thời đồng ý xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm".

Mô tả về thiết kế phê duyệt, ông Nguyên chỉ rõ, khu trước tòa nhà này vẫn là vườn hoa, tầng 1 để trống nên thành ra không gian vẫn hòa mình với khu vực đó.

Còn thời điểm hiện tại, điều quan trọng và cơ bản nhất theo ông Nguyên, đó chính là nên xem kỹ thiết kế được duyệt, giám sát xem nhà thầu, chủ đầu tư có thi công đúng với thiết kế hay không?

Phối cảnh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm

Tuy nhiên, theo ông Nguyên chia sẻ thì hiện nay Hội cũng chưa nắm bắt được là nhà thầu thi công, UBND quận Hoàn Kiếm có thực hiện đúng với thiết kế được phê duyệt hay không, vì Hội không có chức năng giám sát, mà chỉ góp ý.

Không xây dựng... còn xấu hơn 

Nói kỹ hơn về thiết kế đã được duyệt cho công trình này, ông Nguyên cho hay: "Chúng tôi cũng đã xem xét rất cụ thể, kỹ lưỡng, thiết kế làm sao cho nó không ảnh hưởng đến không gian chung, không phục vụ mục đích nào, kể cả trụ sở của một Ban quản lý nào, nó gần như một nơi trưng bày hiện vật gắn liền lịch sử hồ Hoàn Kiếm".

Vì thế, một lần nữa, ông Nguyên nhấn mạnh: "Tôi nghĩ nó hoàn toàn tốt, vì mọi người chưa có thông tin về khu vực này mà có tòa nhà trưng bày thì quá tốt".

Hơn nữa, theo thiết kế, thì tòa nhà được làm vừa phải, phù hợp với không gian, không làm cao quá, vì thiết kế được duyệt rất kỹ.

Nói lại về lý do, ông Nguyên lại chỉ ra, thực tế lúc bấy giờ, nhìn kỹ khu nhà phía sau rất lộn xộn, cảnh quan xấu, các khu phụ của căn hộ quay ra bên ngoài làm mất cảnh quan, cho nên tạo ra một cái gì để che đi là phù hợp, nhưng tuyệt đối cái nhà xây nên không được phục vụ riêng cho một mục đích khác, hoặc trụ sở cho một BQL nào đấy, hoàn toàn không được.

Xây nhà sát Hồ Gươm: Vòng vo, bao biện!?

Bởi ông Nguyên cho rằng: "Nếu không xây thì sẽ để lại khu hoang phế, thành chỗ đổ rác cho người dân, rồi cứ bịt hàng rào bằng tôn, lại còn xấu hơn. Nên Hội mới đặt mục tiêu xây dựng làm sao cho nó vẫn đảm bảo cảnh quan, nhưng không để hoang phế".

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Nguyên, thì Hội di sản quốc gia VN, Hội KTS VN cũng đã cho hết ý kiến cụ thể về đề án này.

Hội KTS VN, Hội quy hoạch phát triển đô thị VN hoàn toàn chưa biết thông tin

Điều đáng nói, trước đó, chia sẻ với Đất Việt, ngày 12/11, TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN khẳng định: "Hội Kiến trúc sư, kể cả từ thế hệ lãnh đạo thời kỳ trước và lãnh đạo hiện tại đều phản đối việc xây dựng tại địa điểm này, nên rất nghi ngại khi UBND quận Hoàn Kiếm nói rằng đã hỏi xin ý kiến của Hội".

Theo lời ông Đức, trước đây, khi Hội KTS hỏi ngược lại UBND quận rằng tại sao lại vẫn làm khi Hội có ý kiến không nên xây dựng, thì được trả lời rằng: Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng kiến trúc và quy hoạch thành phố, được sự nhất trí của Đảng, bộ chính quyền, thậm chí đã xin ý kiến nhiều lần và nhận được sự đồng ý, nên kiên quyết làm.

Khu vực đang được xây dựng

Nên chuyện UBND quận đưa ra giải thích rằng đã xin ý kiến các bên trong đó có Hội KTS theo ông Đức chỉ là lý giải để chối vòng quanh, trốn tránh trách nhiệm, để quyết tâm xây dựng.

Mặt khác, cũng là đơn vị có tên trong danh sách được UBND quận Hoàn Kiếm tham khảo ý kiến, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị VN, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ được Sở quy hoạch - kiến trúc HN và UBND quận Hoàn Kiếm xin ý kiến về công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ.

Hiện nay chúng tôi cũng mới biết đến dự án này, đây cũng là lần đầu tiên được nghe đến dự án này".

Về phía, Sở VHTT&DL Hà Nội, nơi quản lý các di sản, khi chia sẻ với Đất Việt, ngày 13/11, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở cũng khẳng định: "Theo tôi được biết dự án này đã có từ lâu, nhưng Sở không được hỏi ý kiến, ít nhất là từ khi tôi đảm nhận chức vụ".


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt