Xây nhà sai phép, không phép từ ngày 1-5: Cả chủ nhà và nhà thầu đều bị phạt nặng

Cập nhật 03/05/2009 08:35

Tái phạm bị phạt tới 500 triệu đồng. Nhiều trường hợp khó có thể phạt được người dân do lỗi mà họ mắc có nguyên nhân từ quy hoạch yếu kém.

Tái phạm bị phạt tới 500 triệu đồng. Nhiều trường hợp khó có thể phạt được người dân do lỗi mà họ mắc có nguyên nhân từ quy hoạch yếu kém.

Kể từ ngày 1-5 (ngày Nghị định 23 năm 2009 về xử phạt trong xây dựng có hiệu lực), mức phạt mút khung đối với những vi phạm xây sai phép, không phép có thể lên tới 30-40 triệu đồng, tăng gấp hàng trăm lần so với mức phạt cũ (chỉ 200 ngàn đồng).

“Nghị định mới tăng mức xử phạt, nâng tính răn đe, tăng thẩm quyền xử phạt, quy định rõ trách nhiệm. Mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng, trước chỉ là 70 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt của cấp phường, xã tăng lên hai triệu đồng, trước chỉ là 500 ngàn đồng...” - ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, đúc kết.

Nhà thầu cũng không thoát

Theo Nghị định 23, cá nhân, tổ chức tái phạm xây sai phép, không phép sau khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng của cấp có thẩm quyền thì tùy theo mức độ, quy mô công trình vi phạm sẽ bị phạt từ 300 đến 500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép (nếu có). Đây là mức phạt cao nhất đối với các vi phạm về trật tự xây dựng. Tương tự, việc chủ nhà xây sai thiết kế sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, nếu tái phạm thì cũng bị phạt tới 300-500 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định mức phạt cao như vậy sẽ khó khả thi đối với những công trình xây dựng có giá trị nhỏ chỉ vài chục triệu đồng hay đối với gia chủ thu nhập ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Dương Thành Phố - Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng lý giải: “Phải nghiêm khắc đối với những hộ cố tình chây ỳ, có tái phạm. Có như vậy thì mới quản lý đô thị được. Tuy nhiên, phạt mút khung đến 500 triệu đồng chủ yếu áp dụng đối với chủ các dự án”.

Nghị định mới còn xử nghiêm đối với nhà thầu xây sai giấy phép hoặc xây công trình không có giấy phép, xây sai thiết kế. Mức phạt đối với bên thi công cũng ngang bằng với chủ nhà có vi phạm. Như vậy, nếu xây trái phép thì cả chủ nhà và bên thi công đều bị phạt nặng.

Xây không phép bị “cấm vận” điện, nước


Chủ các công trình xây sai phép, không phép ngoài việc bị phạt tiền còn bị buộc phải khắc phục hậu quả. Thực tế cho thấy việc buộc phải ngừng thi công, phá dỡ công trình là điều người vi phạm ngán ngại nhất, có tác dụng răn đe hơn nhiều hình phạt chính là phạt tiền.

Với công trình xây sai phép, cơ quan chức năng buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần xây sai phép. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Với công trình không phép, cơ quan chức năng buộc chủ đầu tư phá dỡ công trình xây dựng không phép, đồng thời ngừng cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng. Nếu không tự nguyện phá dỡ sẽ bị cưỡng chế và phải trả tiền cho việc cưỡng chế phá dỡ này.

“Thời hiệu xử phạt vi phạm trong xây dựng là hai năm kể từ ngày vi phạm được thực hiện. Quá thời hạn trên thì chủ nhà không bị xử phạt (bằng tiền - PV) nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo dỡ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu” - Chánh thanh tra Phạm Gia Yên nhấn mạnh.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả trường hợp xây sai phép, không phép đều bị buộc phá dỡ. Như Pháp Luật TP.HCM ngày 24-4 đã đưa tin, theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 23, nhiều trường hợp xây sai phép, không phép trước ngày Nghị định 23 có hiệu lực (ngày 1-5) sẽ được tha.

Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên:

Dân sai vì quy hoạch yếu kém

Gốc của trật tự xây dựng là quy hoạch. Thế nhưng nhiều quy hoạch của ta quá yếu kém từ việc lập, thẩm định đến phê duyệt quy hoạch. Nhiều quy hoạch rất tùy hứng, không theo quy định nào cả. Quy hoạch chi tiết 1/500 không chỉ chậm mà nhiều trường hợp còn gây hại.

Nhiều trường hợp khó có thể phạt được người dân do lỗi mà họ mắc có nguyên nhân từ quy hoạch yếu kém. Đơn cử như cùng một con đường mà dãy phố bên này được xây 10-12 tầng, dãy phố bên kia lại chỉ được xây 6-10 tầng. Khi người dân dãy phố bên kia xây cao hơn mức cho phép (hai tầng), cơ quan chức năng đòi phạt, người dân thắc mắc tại sao cùng trên con đường này mà bên kia được xây, bên tôi ở thì không được... Khi ấy, chính cơ quan nhà nước không giải thích được thì bảo làm sao mà người dân thông!


Mức phạt với xây sai phép, không phép


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP