Ông Đặng Hùng Võ. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói về “được” và “mất” của việc xây nhà quá cao tầng tại Hà Nội
Nếu không có được một diện tích đất phù hợp, đảm bảo an toàn thì không nên chạy đua xây nhà chọc trời, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính của Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên về xu hướng chạy đua xây nhà trên dưới trăm tầng của một số doanh nghiệp tại Hà Nội hiện nay, GS. Võ đã chia sẻ những quan điểm của mình về “được” và “mất” của việc làm này. Đặc biệt, với kinh nghiệm của một người có hàng chục năm nghiên cứu về đất đai, địa chất, ông đã đưa ra những cảnh báo đáng lưu ý.
Ông Võ nói:
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp có đất tại thành phố lớn thường đưa ra giải pháp để làm sao sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm nhất bằng cách xây nhà thật nhiều tầng.
Chủ trương đó, một mặt là có thể vừa giải quyết được không gian làm việc cho doanh nghiệp, vừa có không gian cho thuê, làm nhà ở, hoặc sau này bán đi. Suy cho cùng, đây cũng là một hoạt động bình thường trong chiến lược kinh doanh của những doanh nghiệp lớn.
Trong bối cảnh kinh doanh có khó khăn như hiện nay, việc xây nhà cao tầng cũng là một bài toán vì mục đích lợi nhuận.
Với một tư duy như vậy thì cũng không có gì đáng trách các doanh nghiêp. Thậm chí, ở một góc độ nào đó chúng ta còn phải động viên các doanh nghiệp sao cho họ sử dụng đất hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, trước một ngữ cảnh mà xã hội đang phải đối mặt ngày càng nhiều với không gian nhà cao tầng thì chúng ta cũng cần phải tính coi trọng và bảo đảm tính an toàn cho mọi người dân.
Xây ở Hà Nội sẽ tốn kém hơn
* Như vậy có nghĩa ông cho rằng, việc xây nhà chọc trời ở Hà Nội chưa hẳn đã là một giải pháp hay và vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn?
Với những tòa nhà chọc trời thì không chỉ ở Việt Nam, ở Hà Nội mà trên thế giới vấn đề bảo đảm an toàn vẫn luôn được coi trọng tuyệt đối. Trước hết đó là phần nền móng và sự chống chọi của các nhà cao tầng trước các tai biến địa chất như động đất, sụt lở đất, núi lửa, thậm chí là sự phá hoại, khủng bố.
Ở Việt Nam thì vấn đề chất lượng các công trình lại càng là vấn đề cần được lưu ý quan tâm. Bởi lẽ, ngay xây những chiếc cầu cho người dân đi qua mà vẫn bị đơn vị thi công gian lận, thay thế vật liệu, nhiều ngôi nhà vẫn bị rút lõi... Nhưng nếu đó là những công trình, tòa nhà thấp tầng thì mức độ ảnh hưởng rủi ro cũng không phải là quá lớn.
Song với những tòa nhà chọc trời thì vấn đề tiêu cực trong xây dựng lại không phải là chuyện đùa. Ngay cả chỉ cần tính toán sai sót, sơ suất một chút thì hậu quả để lại không hề nhỏ.
Thực tế nữa là những cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư của Việt Nam vốn vẫn chưa quen với những tòa nhà chọc trời. Cũng có thể sẽ có những chủ quan về chất lượng ở góc độ nào đấy.
Ngay cả thói quen, kinh nghiệm sống và bảo đảm an toàn của người dân trong các tòa nhà cao tầng vẫn chưa có nhiều, đặc biệt là kinh nghiệm thoát hiểm khi không may có các tai nạn, hỏa hoạn...
Điều đó để nói lên rằng, việc sử dụng đất hiệu quả bằng việc xây nhà chọc trời là chủ trương tốt nhưng gắn với đó là phải có hàng loạt giải pháp cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhà cao tầng nhưng liền với đó phải là chất lượng phải được đảm bảo tuyệt đối.
* Vậy còn vấn đề địa chất tại Hà Nội và TP.HCM, liệu có thích ứng với các tòa nhà chọc trời không, thưa ông?
Đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều nằm ở hai vùng đồng bằng trầm tích địa tứ, nghĩa là vùng đất được hình thành muộn nhất nên độ sâu từ bề mặt đến phần đá gốc là tương đối lớn. Chính vì vậy, chắc chắn nếu xây dựng nhà cao tầng sẽ tốn kém hơn các khu vực khác.
Tôi chỉ sợ rằng, để bớt tốn kém thì nhiều người thường có thói quen cắt giảm, bớt.. dẫn tới chất lượng sẽ không được đảm bảo.
Còn trên thực tế, chúng ta cũng đã có những nhà cao tầng, đã có những giải pháp móng, nhưng do chúng ta chưa có một đánh giá tổng thể đất nền nên trước khi xây nhà chọc trời cần phải có một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về chiều sâu cần thiết của mỗi một khu vực khác nhau trên nền đất của khu vực đồng bằng sông Hồng và Hà Nội.
* Theo ông, liêu có chuyện chạy đua xây nhà chọc trời là nhằm đánh bóng thương hiệu giữa các doanh nghiêp?
Cũng có thể có mục đích đó, bởi khá nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng cách thức này. Chẳng hạn như tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia là cũng nhằm để quảng bá cho tập đoàn này. Việc quảng bá bằng một kiến trúc lạ mắt cũng là một cách để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có nhiều cách khác để quảng bá thương hiệu bởi nếu cứ đi theo lối mòn bằng việc xây nhà chọc trời thì chưa chắc đã hiệu quả. Theo tôi, nếu một doanh nghiệp không có được một diện tích đất phù hợp, đảm bảo an toàn thì không nên chạy đua theo các doanh nghiệp khác để xây nhà chọc trời.
Cẩn trọng với những tai biến địa chất
* Nhưng liệu có sự dễ dãi trong cấp phép xây nhà chọc trời của cơ quan quản lý không khi chưa giải được bài toán hạ tầng?
Hạ tầng đúng là một bài toán mà các đô thị Việt Nam vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Từ vấn đề cung cấp điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội... vẫn chưa đáp ứng được cho một khu nhà cao tầng.
Ở các nước, họ có cho phép xây nhà cao tầng hay không còn phải phụ thuộc vào những vấn đề đi kèm như trên. Nhưng ở Việt Nam đôi khi vẫn có thể cấp phép mà không đưa ra được một giải pháp toàn diện.
* Gần đây, các tai biến địa chất, thiên tai liên tiếp xảy ra. Thế giới lại đang có xu hướng từ bỏ xây nhà quá cao tầng, trong khi Việt Nam lại có vẻ như mới đang bước vào cuộc "chạy đua"?
Tôi cho rằng, đến thời điểm này các cơ quan quản lý cũng đã có quy trình thẩm định, tiêu chuẩn thẩm định chất lượng của các công trình xây dựng. Vấn đề là thực hiện như thế nào vì nó sẽ liên quan đến an toàn của hàng nghìn người sống, làm việc tại công trình đó.
Tôi nhắc lại rằng, việc thẩm định chất lượng của một công trình cao tầng thì phải nghiêm túc từ khâu khoan thăm dò phần móng. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đầu tư trình ra tài liệu khảo sát. Nếu là tài liệu thật thì sẽ biết được lời giải.
Tất nhiên, nếu có được một thăm dò chung trên khu vực đồng bằng sông Hồng thì sẽ có được một định hướng quy hoạch, qua đó cấp phép chiều cao của các tòa nhà tại các khu vực thì sẽ thỏa đáng hơn. Nhưng vì chưa có thẩm định chung nên cơ quan quản lý bắt buộc phải thẩm định chất lượng nền móng, khoan thăm dò để tính cơ học đất và độ chịu tải nền móng của từng công trình riêng lẻ.
Còn trên thế giới, gần đây các hoạt động địa chất có vẻ đang tăng lên và đang vào một chu kỳ hoạt động mạnh, gây ra những thảm họa rất lớn, trong đó nổi lên là động đất và sụt lở đất.
Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang tính toán lại việc xây nhà cao tầng. Trước đây nhiều nước đua xây nhà cao tầng vì nhiều lý do, trong đó có mục đích sử dụng đất, trưng khoe thành tựu về kiến trúc, xây dựng... Xu hướng thế giới hiện nay đối với chiều cao của một tòa nhà là muốn 1/3 là ở dưới lòng đất, còn 3/2 là trên mặt đất.
Còn ở Việt Nam hiện nay, động đất đến 4 độ richter cũng đã có, nên về mặt chiến lược cần có những thảo luận kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là đối với những công trình được coi như nhạy cảm với các tai biến địa chất, trong đó có nhà cao tầng, các con đập lớn...
Hiện nay giải pháp đi sâu vào lòng đất của các công trình xây dựng cũng đang được áp dụng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, với Hà Nội và TP.HCM thì vấn đề giải quyết 5 -7 tầng ngầm là khó khăn hơn nhiều khu vực khác vì sự phức tạp của hệ thống nước ngầm của những khu vực này.
Khu vực xây rất quan trọng
* Xin hỏi thật, trước cuộc đua xây nhà "chọc trời" của các doanh nghiệp, cá nhân ông có lo không?
Có chứ, tất nhiên là có lo rồi. Bởi dù chúng ta đã có quy trình nhưng quá trình thực hiện lại có thể không chấp hành nghiêm những yêu cầu kỹ thuật. Cách thức chúng ta vẫn hay gian dối trong nhà thấp tầng thì không thể được lặp lại với những nhà "chọc trời".
Bên cạnh đó, với địa tầng của Hà Nội là đất trầm tích địa tứ thì tôi cũng hơi lo nếu không đảm bảo tuyệt đối các định mức kỹ thuật về nền móng.
Cơ quan chức năng cần phải xem xét chung về chủ trương, đường lối chung về vấn đề cho xây nhà "chọc trời". Chúng ta vẫn cho rằng đó là thành tựu về chinh phục chiều cao, nhưng đằng sau đó có thể kéo theo không ít hiểm họa rình rập.
* Nhưng nếu xây khu vực khác ngoài Hà Nội thì sao, thưa ông?
Chắc chắn là nếu những tòa nhà "chọc trời" được xây ở những khu vực về phía Sóc Sơn, Hòa Bình, Hòa Lạc hay Đông Anh... thì nền móng sẽ tốt hơn và ít tốn kém hơn. Ngay cả vấn đề sử dụng đất thì những khu vực đồi núi sẽ thích hợp hơn với phát triển phi nông nghiệp.
Lịch sử địa tầng của Hà Nội là vùng đất thuộc khu vực đất gãy. Vùng đất này cũng đã được các nhà khoa học đặt tên là đất gãy sông Hồng. Có nghĩa là, bờ trái và bờ phải của sông Hồng đôi khi cũng tạo nên những độ dịch chuyển nhất định do đặc điểm của vùng đất gãy. Càng về phía cửa sông thì lớp trầm tích địa tứ càng rộng nên mức độ chịu tải càng kém. Đây là đặc điểm cần được lưu ý khi có ý định xây nhà cao tầng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy