Xây đường Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 11

Cập nhật 29/09/2009 08:50

Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thuộc dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ là công trình đầu tiên của dự án được khởi công vào tháng 11-2009.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ bắt đầu từ Trung Lương nối đến cầu Mỹ Thuận. Trong ảnh là ngã ba Trung Lương. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thuộc dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ là công trình đầu tiên của dự án được khởi công vào tháng 11-2009.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nối từ Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) đến cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), là một phần thuộc dự án Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ do Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đầu tư. BEDC là một doanh nghiệp do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng các đối tác thành lập.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), đồng thời mua lại quyền thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Theo đề xuất trước đây từ BIDV, để đầu tư cho toàn bộ dự án đường cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ, dự kiến cần mức vốn khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ. BIDV lên kế hoạch huy động 50% vốn đầu tư từ bên ngoài, bao gồm vốn của các quỹ đầu tư và phát hành trái phiếu quốc tế.

Theo thiết kế do Tổng công ty Thiết kế Giao thông Vận tải (Tedi) lập, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 82 km, còn đường TPHCM - Trung Lương đang xây dựng có chiều dài 62 km.
 

Chính phủ trong thời gian gần đây đã cho phép một loạt các ngân hàng và tập đoàn kinh tế tham gia các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT nhằm làm giảm gánh nặng về tài chính cho ngành giao thông.

Tháng 6-2007, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã hoàn tất đề án đầu tư, kinh doanh phát triển đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đầu tháng 10-2008, Chính phủ cũng chấp thuận cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam lập đề xuất dự án đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Vinh theo hình thức BOT.

Vào trung tuần tháng 9-2009, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đầu kỳ dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, do Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) đầu tư và liên danh Almec - Tedi làm tư vấn lập dự án.
 


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG