Bài 2: Mạnh tay với cán bộ
Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm đến nơi đến chốn thì tình trạng xây dựng trái phép không tràn lan như hiện nay. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm.
Thực tế cho thấy việc xử lý "ầu ơ ví dầu" của các cán bộ có trách nhiệm đã làm nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng bị "lờn thuốc". Thậm chí, nhiều vụ vi phạm bị "chìm xuồng". Phải làm gì để khắc phục?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nhiều cán bộ không làm đúng nhiệm vụ
Liên quan đến công trình xây dựng trái phép, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải đình chỉ việc xây dựng công trình khi phát hiện vi phạm. Nếu đã có quyết định đình chỉ xây dựng mà người được cấp giấy phép xây dựng vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan chức năng phải thu hồi giấy phép và chuyển cho cấp có thẩm quyền xử lý. Đối với các công trình xây nhà ở riêng lẻ đã được cấp phép xây dựng thì việc kiểm tra là trách nhiệm của UBND cấp quận, huyện.
Còn UBND cấp phường phải có trách nhiệm giám sát việc này. Đối với những trường hợp vi phạm đã được báo thì phường phải kiểm tra, xử lý. Nếu quá thẩm quyền thì báo cáo lên quận, quận sẽ xử lý và nếu thấy quá thẩm quyền lại tiếp tục báo cáo lên các cơ quan cấp trên. Đối với những trường hợp đang xây dựng, phường có thể hỏi giấy phép xây dựng, kiểm tra việc xây dựng có đúng với giấy phép được cấp hay không.
Pháp luật có qui định về tiêu chuẩn cán bộ công chức địa chính - nhà đất tại phường, xã. Nhiệm vụ của bộ phận này là giúp việc, tham mưu cho UBND cấp phường, xã trong lĩnh vực xây dựng bằng việc kiểm tra, giám sát như đã nói. Pháp luật qui định là vậy nhưng điều đáng nói là nhiều cán bộ không làm hoặc có làm nhưng khi báo cáo thì cơ quan cấp trên không xử lý.
Luật sư Lê Đình Phạt (trưởng văn phòng luật sư Lê Đình - Q.Bình Thạnh,TP.HCM):
Phải cách chức để làm gương. Thời gian qua tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP.HCM diễn ra khá phổ biến. Nhiều người cho rằng căn nguyên của việc này do các qui định pháp luật của Nhà nước còn quá phiền hà. Nói như vậy cũng có phần đúng do thủ tục xin phép xây dựng hiện nay quá khó. Thực tế các văn phòng luật sư nhận làm thủ tục hành chính cũng bị hành đủ thứ. Tâm lý chung người dân ai cũng nể sợ pháp luật, nhưng do nhu cầu bức xúc về chỗ ở, do nhu cầu riêng của gia đình trong khi "xin tới xin lui" quá phiền hà nên đôi khi họ làm như vậy (tức xây dựng trái phép).
UBND phường là nơi gần dân nhất mà nói không biết, không kiểm soát được xây dựng trái phép là không đúng. Dưới phường còn có công an khu vực, có tổ dân phố, có các khu phố nữa thì làm sao nói như vậy được. Nói thế để thấy rằng thật ra không có vụ xây dựng trái phép nào có thể qua "tai mắt" của UBND phường. Tuy nhiên, nơi cấp phép xây dựng cũng không thể vì thế mà "khoán trắng" cho UBND các phường.
Còn thanh tra Sở Xây dựng không thể kiểm tra hết tình hình vi phạm trên địa bàn thành phố, mà phải nắm thông tin từ phường, quận. Thế nhưng khi đã có đơn "kêu cứu" tới mình thì thanh tra sở cũng phải kịp thời giải quyết chứ không thể chuyển, đẩy qua lại.
Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm đến nơi đến chốn thì vấn đề sẽ không rối như hiện nay. Tôi lấy ví dụ: khi thanh tra Sở Xây dựng tiếp nhận đơn "kêu cứu" của công dân thì đơn vị này phải làm việc với địa phương là UBND phường và quận. Nếu đã làm việc, đã có đề nghị mà cấp phường và quận không xử lý thì phải đề xuất thành phố kỷ luật chủ tịch phường, chủ tịch quận.
Tôi cũng cho rằng giải pháp chính là phải kỷ luật, cách chức công an khu vực, chủ tịch phường, chủ tịch quận nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Các phường, quận khác sẽ lấy đó làm gương. Nếu làm được điều này sẽ tạo sự rúng động, sẽ hạn chế vi phạm.
Đừng "đổ thừa" pháp luật hiện nay không đủ để xử lý. Trái lại, luật hiện nay đã quá đủ nhưng quan trọng là cán bộ có thẩm quyền thực thi pháp luật đó như thế nào. Nếu anh làm hết trách nhiệm thì tình trạng xây dựng trái phép sẽ được giải quyết thôi.
Luật sư Lê Đình Phạt
>>
Bài 1: Dân bức xúc, cán bộ "ầu ơ” Theo Tuổi Trẻ