Bên cạnh nhà xây bán, cần phải xây nhà cho thuê vì người có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng không thể trả nổi tiền mua nhà trong năm năm. Để có nhà cho thuê cần phải huy động...
Bên cạnh nhà xây bán, cần phải xây nhà cho thuê vì người có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng không thể trả nổi tiền mua nhà trong năm năm. Để có nhà cho thuê cần phải huy động nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, thay vì chỉ trông vào Nhà nước.
Đó là ý kiến của ông Phạm Sĩ Liêm - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng.
* Theo ông, việc xây được căn hộ với giá chỉ 200-300 triệu đồng có khả thi không?
- Ông Phạm Sĩ Liêm: Tôi không hiểu Bộ Xây dựng tính xây nhà kiểu gì. Nếu nhà cấp 4 thì dư sức chứ nhà cao tầng thì còn phải xem nhà đó hạ tầng đến đâu, đất ở chỗ nào. Theo tôi biết, có thể Bộ Xây dựng đưa ra giá nhà trên dựa vào hai căn nhà do Công ty bêtông Xuân Mai làm theo kiểu bêtông đúc sẵn lắp ghép, tính ra chỉ khoảng 4 triệu đồng/m2. Nhưng đó là nhà của Công ty bêtông Xuân Mai làm cho công nhân, chi phí làm đường vào đó không tính, rồi tiền đất không mất nữa, dây điện đã đến tận nơi, chỉ nối vào là xong.
Nếu tính cả chi phí hạ tầng liên quan đến nhà chung cư tôi e 200-300 triệu không dễ làm. Theo tôi, việc xây nhà ở xã hội giá cả bao nhiêu cần có thí điểm, trên cơ sở thực tế mới công bố. Chứ hiện nay chúng ta tuyên bố chưa trên cơ sở thí điểm nên rất khó khẳng định.
Ông Phạm Sĩ Liêm - Ảnh: C.V.K.
Việt Nam cần có nền tài chính nhà ở
“Ta cần có nền tài chính nhà ở như các nước. Nếu đem cả chục ngàn tỉ đồng dự kiến xây nhà kia để hỗ trợ tín dụng cho những người chỉ một tí nữa là mua được nhà thì tự nhiên họ sẽ mua. Số người được trợ giúp sẽ tăng ít nhất gấp 4 lần số 200.000 kia. Cầu tăng ắt sẽ kích thích đến nguồn cung.
Theo tôi, Nhà nước không nên hỗ trợ nguồn cung mà nên hỗ trợ nguồn cầu, thị trường sẽ tự lo được phần còn lại. Muốn kích cầu mạnh thì Nhà nước chỉ nên châm lửa, “thuốc súng” phải là cả xã hội” - Phạm Sĩ Liêm.
Ông Nguyễn Ngọc Dương (chủ tịch HĐQT Công ty Năm Ngôi Sao Việt, TP.HCM):
Nên cho tư nhân tham gia
Nếu giao việc xây dựng nhà ở giá thấp cho một tổng công ty nhà nước xây dựng thì có thể dễ quản lý, nhưng cũng có nhiều điều phải cân nhắc. Bộ Xây dựng giao cho tổng công ty thuộc bộ làm chủ đầu tư thì cũng chính bộ này sẽ thanh tra, kiểm tra khi có sai sót. Như vậy có khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi? Doanh nghiệp được giao có đủ năng lực để làm các dự án hay sẽ tiếp tục đi thuê lại các nhà thầu khác làm. Nếu làm không khéo sẽ lặp lại câu chuyện kế hoạch 30.000 căn hộ của TP.HCM những năm trước. Giải pháp cho người dân vay tiền mua nhà giá thấp chỉ có thể thực hiện được nếu như thông tin rõ ràng, minh bạch.
Theo tôi, nên giao các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Nhà nước dùng tiền kích cầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia nhà thu nhập thấp như hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo quỹ đất sạch (đất đã giải tỏa), bảo đảm nguồn cung cấp nguyên vật liệu trong suốt quá trình xây dựng... Đó là những yếu tố để công trình hoàn thành nhanh, sớm có sản phẩm, giảm được hàng loạt chi phí và để đảm bảo giá nhà thấp…
Còn về đối tượng mua nhà giá thấp, nếu giới hạn người có mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/tháng trở xuống thì không ổn. Với mức như vậy mỗi ngày thu nhập tối đa là 50.000 đồng, tiền ăn uống có khi chưa đủ, chưa kể các chi phí khác như điện, nước, sinh hoạt... thì lấy đâu tiền để mua nhà? Nên quy định người mua có thu nhập trung bình ít nhất phải từ 5 triệu đồng/tháng thì khả thi hơn.
Cũng có ý kiến lo lắng với việc xây dựng nhà giá thấp, nhà diện tích nhỏ sẽ hình thành những khu ổ chuột mới. Trong giai đoạn này cần phải chấp nhận. Khi người dân có điều kiện sống tốt hơn họ sẽ tự chuyển đổi sang các chỗ ở khác. Và đến khi nào xã hội bớt đi người thu nhập thấp thì Nhà nước sẽ tháo dỡ những khu nhà này để xây dựng nhà cao cấp hoặc làm các dự án khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO