Gian nan… hoạt động đầu tư, xây dựng bãi đậu xe là chuyện không mới ở TPHCM. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tốn không ít giấy mực về vấn đề này. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều...
Gian nan… hoạt động đầu tư, xây dựng bãi đậu xe là chuyện không mới ở TPHCM. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tốn không ít giấy mực về vấn đề này. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều, cho dù thành phố ngày càng thiếu bãi đậu xe.
Chưa xây: mệt; xây rồi: cũng... mệt!
Vốn là người trầm tính, ít khi kêu ca nhưng tuần rồi, khi được hỏi về hoạt động của Bến xe Thành Hiệp Phát (huyện Bình Chánh), chị Bùi Thị Dung, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát - chủ đầu tư bãi xe, đã không khỏi bức xúc: “Bãi đậu xe hoạt động khó khăn lắm. Nhà nước chưa tính ưu đãi cho đồng nào, mà các xe thì chẳng chịu vào bãi, đơn giản vì đậu xe ngoài đường không tốn phí”.
Đầu giờ chiều ngày 25-5-2009, chúng tôi xuống bãi đậu xe Thành Hiệp Phước. Đếm đi đếm lại, bãi xe cũng chỉ có khoảng 50 xe vào lưu đậu, trong khi đó dọc con đường nhỏ trước mặt lại có đến vài chục chiếc xe tải đậu nghênh ngang. Mặt đường lồi lõm, nước mưa ngập xâm xấp, các phương tiện khác lưu thông rất khó khăn, song dường như các bác tài xe tải chẳng quan tâm đến điều ấy. Hết xe này đến xe khác tiến vào, kiếm chỗ trống để đậu.
Bãi xe Thành Hiệp Phát là bến xe đầu tiên được hình thành từ chủ trương xã hội hóa hoạt động xây dựng bến xe của TP. Vị trí xây dựng bãi là do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng địa phương thống nhất giao cho đơn vị.
Theo thiết kế, bãi rộng khoảng 27.000m², có khả năng đáp ứng cho 300-400 xe vào lưu đậu. Tuy nhiên, anh Nguyễn Trọng Phúc, một cán bộ ở đây cho biết, hầu như chưa bao giờ bãi đầy xe, cho dù nó nằm gần vòng xoay An Lạc trên quốc lộ 1A - một trục giao thông lớn của TP. “Tất nhiên, không thể dùng mệnh lệnh hành chính ép các tài xế phải cho xe vào lưu đậu trong bãi xe Thành Hiệp Phát. Thế nhưng, nếu cứ “được” đậu tràn lan ngoài đường mà không bị phạt, bị đóng phí, thì các bác tài sẽ chẳng dại vào bãi để phải tốn tiền” - anh Phúc nói.
Cùng đi đầu, hưởng ứng chủ trương xây dựng bãi đậu xe của TP với Thành Hiệp Phát là Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Phát triển không gian ngầm (sau đây gọi tắt là CTCP). Tuy nhiên, dự án của CTCP: xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám mới trong giai đoạn ký xong hợp đồng BOT.
Hiện nay TPHCM đã trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tài liệu này và CTCP đang chờ Bộ KH-ĐT cấp giấy phép đầu tư. Đương nhiên, không thể so sánh 2 dự án của 2 đơn vị nêu trên, bởi dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm phức tạp hơn rất nhiều so với việc xây dựng bãi đậu xe trên mặt đất của Thành Hiệp Phát.
Hơn nữa, ở Việt Nam cũng chưa có tiền lệ xây dựng bãi đậu xe ngầm, nên mọi thủ tục đầu tư cũng như quy trình kỹ thuật đều phải vừa làm vừa hoàn thiện, mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng, đã không ít lần lãnh đạo của CTCP vui vẻ thông báo với giới báo chí công tác kỹ thuật đã xong, chỉ còn hoàn thiện thủ tục đầu tư là có thể khởi công, nhưng rồi cả mấy lần, họ đều phải khất lại.
Tiến sĩ Trần Luân Ngô, Phó Tổng giám đốc CTCP cho biết, thời gian “dính” đến thủ tục đầu tư… không thể định lượng được (?).
Đoạn trường... thủ tục
Để giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe gay gắt, cách đây hơn 3 năm TPHCM đã ban hành Quyết định 83/2006 quy định về khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ. Theo đó, nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, xây dựng bãi đậu xe sẽ được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất; được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông và chi phí đền bù giải tỏa xây đường vào bến xe; được hỗ trợ 10% lãi vay trong thời gian vay vốn…
Tuy nhiên từ đó đến nay, trong gần 10 dự án xây dựng bãi đậu xe trên mặt đất, mới có bãi đậu xe Thành Hiệp Phát xây xong và đi vào hoạt động. Trong 8 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm đã có nhà đầu tư nghiên cứu, hiện mới có dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám và một dự án khác ở khu vực trung tâm TP triển khai mạnh mẽ.
Các dự án còn lại đa phần mới ở giai đoạn nghiên cứu sơ khởi (đối với dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm) hoặc lên phương án đền bù (đối với dự án xây dựng bãi đậu xe trên mặt đất). Nhiều nhà đầu tư cho biết, thủ tục đầu tư “không thể định lượng được”... chính là cản ngại lớn nhất.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát rõ ràng đã xây dựng xong bãi đậu xe, nhưng các sở ngành vẫn còn tranh cãi về mức hỗ trợ đầu tư. Trong khi đó, lãi suất vay đầu tư của Thành Hiệp Phát cứ mỗi ngày mỗi tăng mà các khoản thu thì chẳng được bao nhiêu (vì xe không vào lưu đậu). “Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì phải chạy đi giải trình khắp các sở, ngành” - bà Bùi Thị Dung bức xúc.
Theo Sở GTVT TPHCM, cái khó nhất của các sở, ngành là thống nhất mức hỗ trợ. Với tư cách là cơ quan chuyên ngành vận tải, thấy được nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng do thiếu bãi đậu xe, Sở GTVT có chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư ở mức “thoáng nhất”. Tuy nhiên, ở góc độ “người giữ tiền”, Sở Tài chính thường có xu hướng “nghiêm khắc nhất” đối với nhà đầu tư và người đứng giữa chính là Sở KH-ĐT!
Trong bối cảnh này thì nhà đầu tư chỉ có cách “ngồi đợi” 3 sở thống nhất cách tính… Tất nhiên, không thể chê trách các sở trong việc thực hiện chức trách của mình. Thế nhưng, mọi tranh cãi đều phải có điểm dừng, vì điều này không chỉ tốt cho nhà đầu tư mà còn cho cả xã hội, bởi ùn tắc giao thông đã và đang gây ra những tổn thất rất lớn cho sự phát triển bền vững của TPHCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng