Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh chưa nhiều mảng sáng. Tăng trưởng ở ngành xây dựng được kỳ vọng làm nên lực kéo đối với toàn bộ nền kinh tế.
Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy một bức tranh chưa nhiều mảng sáng. Tăng trưởng ở ngành xây dựng được kỳ vọng làm nên lực kéo đối với toàn bộ nền kinh tế.
Bức tranh chung về kinh tế 2 quý đầu năm được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố sáng nay, với tốc độ tăng trưởng đạt mức 3,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo của lạm phát - đứng ở mức 2,68% so với cuối năm 2008.
Nền kinh tế nhập siêu 2,1 tỷ USD trong 6 tháng, nhờ lực đỡ lớn từ tái xuất vàng - trị giá 2,3 tỷ USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức thấp, với 8,9 tỷ USD trong 6 tháng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước, và giải ngân cũng chậm lại. Điểm tích cực là sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá, với mức tăng 4,8% so với cùng kỳ 2008.
GSO nhận định, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, giá cả tuy tăng chậm nhưng vẫn đứng ở mức cao, và chứa đựng yếu tố tái lạm phát. Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, nêu ra dẫn chứng cho nhận định của GSO. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 2,1 tỷ USD, nhưng nếu không tính tái xuất vàng, giá trị nhập siêu của nền kinh tế sẽ là 4,6 tỷ USD. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả năm nay Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 10 tỷ USD.
Việc kích cầu có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất, nhưng lại đi liền với lạm phát. Theo số liệu sơ bộ mà ông Bùi Bá Cường có được, cung tiền (M2) và tổng dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm đang tăng nhanh.
Là người trực tiếp tổng hợp và theo dõi diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng, bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại, dịch vụ và giá cả (GSO) cho biết, CPI trong 6 tháng đầu năm có mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Nhưng việc tăng giá có thể không thể hiện rõ trong năm nay, mà trở nên đáng lo ngại trong năm sau, khi tác động của các chính sách tiền tệ nới lỏng thực sự "ngấm" vào nền kinh tế. Việc tăng lương tối thiểu, theo bà Hằng, cũng như điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu xăng dầu, điện và nước, cũng đều có tác động trực tiếp và gián tiếp tới mặt bằng giá.
Việc bội chi ngân sách dự kiến lên mức 7%, cao nhất trong những năm gần đây, và tiêu dùng thực tế của người dân giảm - dù tổng mức bán lẻ vẫn tăng khá- hiện cũng là những điều đáng quan tâm.
Quốc hội mới đây chấp thuận đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm nay từ 6,5% xuống 5%. Song với tình hình kinh tế nửa đầu năm, để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm phải đạt 5,9%.
Hiện tốc độ tăng GDP 2 quý đầu năm vẫn thấp hơn nửa đầu năm 1999, thời điểm Việt Nam đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á, với mức tăng 3,9% so với 4,1%. Kinh tế 6 tháng đầu năm nay cũng được nhận định kém thuận lợi hơn cùng kỳ năm trước, bởi 2 quý đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 6,5%.
Ông Bùi Bá Cường cũng cho rằng, dư địa tăng trưởng trong các tháng cuối năm thuộc về ngành xây dựng và nông, lâm, ngư nghiệp. Nhưng để cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%, nông lâm ngư nghiệp sẽ phải tăng trưởng gấp 3 lần hiện nay trong các tháng còn lại.
Các ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong năm 2008 đã đỡ được một phần lớn đà suy giảm cho nền kinh tế. Nhưng trong năm 2009, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục phó GSO, lợi thế tăng trưởng của các ngành này không còn nhiều. Thay vào đó, là ngành xây dựng.
Ông Lâm phân tích, để có khả năng dẫn dắt nền kinh tế, một ngành cần có 6 điều kiện, gồm ít chịu ảnh hưởng của nhu cầu trên thị trường thế giới; có dư địa tăng cầu nội địa; sử dụng nhiều lao động; có hiệu ứng lan tỏa lớn trong nền kinh tế; có khả năng thu hút doanh nghiệp tham gia; đồng thời có tác động lớn đến chính sách. GSO cho rằng, xây dựng là ngành có khả năng đáp ứng các điều kiện này trong tình hình kinh tế hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress