Xây dựng chính sách vì người dân

Cập nhật 19/01/2014 07:04

Nổi tiếng với phát ngôn “là thành viên Chính phủ, tôi không thể có tiền cho dân nhưng sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để Nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở”. Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh) luôn trăn trở để thực hiện. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi xung quanh “tâm nguyện” này của ông.

Nổi tiếng với phát ngôn “là thành viên Chính phủ, tôi không thể có tiền cho dân nhưng sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để Nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở”. Đây cũng là điều mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh) luôn trăn trở để thực hiện. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi xung quanh “tâm nguyện” này của ông.


* Khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông từng chia sẻ không có tiền để cho dân nhưng sẽ hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở bằng thể chế, chính sách. Tâm nguyện này ông đã thực hiện ra sao thưa Bộ trưởng?

Xây dựng thể chế, chính sách là những nhiệm vụ chính đồng thời cũng là cơ hội tốt để Bộ trưởng được triển khai các quan điểm mới có lợi cho nhân dân và xã hội. Là thành viên chính phủ, tôi không thể có tiền cho người dân nhưng luôn khẳng định sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để Nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở.

Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) chính là mục tiêu của chiến lược nhà ở. Gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) phải khắc phục được lệch pha cung cầu, giảm nhà ở cao cấp, tăng cung ở phân khúc đang thiếu và thiếu rất nhiều là NOXH, nhà ở cho người nghèo. Nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà không gắn với cải thiện nhà ở cho người nghèo, bỏ mặc người dân thì chưa đạt yêu cầu.

Căn hộ diện tích nhỏ, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường. Nghị định 188/NĐ - CP chính là nhân tố mới giúp đưa nhà ở về giá trị thực của nó. NOXH chính là giá trị thực vì kiểm soát được chi phí, bán đúng chi phí và lợi nhuận chỉ trong giới hạn Nhà nước cho phép; trong 5 năm người mua chỉ được chuyển nhượng cho cùng nhóm đối tượng. Như vậy, những người dân nghèo mới có nhiều cơ hội có nhà ở.

Những nước phát triển với mức thu nhập hàng chục nghìn đô la trên đầu người thì cũng vẫn phải làm NOXH. Đây chính là chiến lược lâu dài, song hành với phát triển kinh tế - xã hội nên không thể làm ngay một lúc. Nhưng đã xây dựng được chính sách thì sẽ tạo cơ sở pháp lý, chính trị, kinh tế để từng bước đáp ứng nhu cầu, yêu cầu cải thiện nhà ở của người dân. Nghị định 188 quy định các tổ chức tín dụng phải dành ít nhất 3% dư nợ tín dụng với lãi suất thấp để cho doanh nghiệp vay xây nhà, người dân thuê - mua nhà cải thiện chỗ ở. Bởi vậy, sau khi giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì vẫn còn nhiều chương trình tín dụng khác cùng các định chế tài chính như quỹ tiết kiệm nhà ở... giúp hỗ trợ nguồn vốn phát triển NOXH.

* Thị trường BĐS Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực. Chọn cách giải cứu thị trường BĐS bằng các chính sách linh hoạt và hợp lý có phải là một thành công lớn của Việt Nam?

Bộ Xây dựng đã đề xuất quan điểm giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở và quản lý phát triển đô thị, trong đó chủ yếu là tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách như: cho phép điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm thuế, giãn, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính và chỉ có 1 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (30.000 tỷ đồng) cho vay đối với phân khúc NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Tức là điều chỉnh một phần khối lượng hàng hóa dành cho đối tượng có tiền đang dư thừa sang phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời hỗ trợ tín dụng để họ có điều kiện về tài chính để mua nhà ở. Đồng thời thực hiện Nghị định 11 với yêu cầu phát triển đô thị phải theo đúng quy hoạch và có kế hoạch, cũng từng bước khắc phục tính tự phát, phong trào của thị trường BĐS để hướng đến lành mạnh, bền vững.

Thực tế, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ - CP của Chính phủ, thị trường BĐS đã có xu hướng ấm lên, thể hiện qua thực tế giá giảm, lượng giao dịch tăng, tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng dần được hồi phục... Cơ cấu hàng hóa BĐS đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường; doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cơ cấu sản phẩm BĐS và tăng cường thông tin, tiếp thị. Phân khúc nhà ở diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho loại sản phẩm này. Điều đó cho thấy các giải pháp đã đúng và mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức