Xây dựng - BĐS: Những thông tin "biết nói"

Cập nhật 18/11/2013 13:33

Ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng vốn dĩ chất chứa rất nhiều bất cập nhiều năm qua. Từ cuối năm 2011 đến nay, lĩnh vực quản lý, phát triển ngành xây dựng – BĐS đã chứng kiến không ít sự kiện minh chứng cho luận điểm nói trên.

Ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng vốn dĩ chất chứa rất nhiều bất cập nhiều năm qua. Từ cuối năm 2011 đến nay, lĩnh vực quản lý, phát triển ngành xây dựng – BĐS đã chứng kiến không ít sự kiện minh chứng cho luận điểm nói trên.

Sự kiện gây bức xúc gần đây nhất trong giới quản lý đất đai huyện Từ Liêm, Hà Nội: 19 hộ dân ở tổ 14, thị trấn Cầu Diễn vẫn chưa được biết số phận tương lai những mảnh đất và tài sản trên đất của mình ra sao, sau 11 năm "khoác áo" đất dự án cần GPMB. Hầu hết những mảnh đất đều được sử dụng ổn định, đóng thuế đầy đủ, có trích lục bản đồ và không có tranh chấp suốt thời gian từ những năm 1970-1980.

Một thập kỷ chờ bồi thường

Năm 2001 – 2002, Công ty CP Tập đoàn Ba Đình được phê duyệt và triển khai xây dựng dự án chung cư thương mại để bán tại thị trấn Cầu Diễn. Nỗi lo lắng và bức xúc của người dân ngày càng lên cao, vì từ thời điểm 2011 đến nay, phía doanh nghiệp không có bất cứ động thái họp bàn, thông báo, thỏa thuận với người dân về thời điểm lấy đất, phương án đền bù. Người dân cứ thấp thỏm bị động, và chẳng thể làm gì trên mảnh đất thuộc sở hữu của họ.

Trong mối bùng nhùng vì thái độ "hững hờ" của doanh nghiệp với người dân, ngạc nhiên là cấp quản lý chức năng lại vào cuộc quá chậm. Đằng đẵng gần 10 năm cầu cứu các sở, ban, ngành liên quan, người dân nhận được công văn số 4729/STNMT-PC ngày 13/9/2013… thừa nhận việc chậm thực hiện công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với diện tích 3.113m2 trên tổng số 27.250m2 mà Công ty Ba Đình được giao. Còn lại, việc của người dân lúc này là chờ đợi kết quả thanh tra triển khai phương án đền bù GPMB của doanh nghiệp (mà họ chưa từng được thông báo suốt một thập kỷ qua)?!!

Doanh nghiệp "đục nước béo cò"

Chỉ sau hơn 5 năm vào thị trường Việt Nam với mác doanh nghiệp FDI, đại gia Keangnam Vina (chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Hà Nội Landmark) lộ diện là đơn vị chuyển giá "bậc thầy" và khéo léo "lách" luật Việt Nam để trục lợi. Thông tin từ cơ quan thuế cho thấy, tháng 10/2007, Keangnam Vina ký hợp đồng chìa khóa trao tay với Keangnam Enterprise – một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.

Sau thanh tra, tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD thực chất chỉ còn 699 triệu USD. Thậm chí, đối với mảng bán căn hộ cao cấp (doanh thu 3.500 tỷ đồng), chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng giá trị hợp đồng EPC. Còn nhớ năm 2008, dự án của Keangnam "náo động" thị trường bằng mức giá căn hộ lên tới …3.000 USD/m2 (mỗi căn hộ có giá 5 - 8 tỷ đồng).


Chiêu thức "lách" Pháp lệnh Ngoại hối của Keangnam Vina cũng rất ngoạn mục. Năm 2011, trước thông tin của nhiều cư dân tại Keangnam Landmark phản ánh việc chủ đầu tư bán căn hộ tính theo giá USD và tiến hành thanh tra, Ngân hàng Nhà nước kết luận chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ tại Keangnam Hà Nội Landmark Tower, trong đó quy định giá bán bằng ngoại tệ là vi phạm Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đồng thời vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối.

Đáng nói, dù đã bị cấp quản lý "sờ gáy", chủ đầu tư vẫn tiếp tục tái diễn việc bán căn hộ bằng đơn vị tính là USD, bằng cách viện dẫn Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP, ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các… vụ án kinh tế. Trên thực tế, Nghị quyết 04/2003 đã hết hiệu lực từ 1/1/2006 (nhưng chưa bị bãi bỏ!). Đồng thời, đối tượng đề cập của NQ 04/2003 là các vụ án kinh tế, trong khi các hợp đồng mua bán căn hộ là dân sự.

Làm mất sổ đỏ của dân

Đây là sự cố diễn ra vào đầu năm 2013 tại địa bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên). Theo đó, trong thời gian tháng 12/2012 và tháng 1/2013, phòng tài nguyên và môi trường huyện bị mất hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 12 hộ dân, trong đó có 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và 37 phôi giấy chứng nhận đã viết tên các hộ, nhưng UBND huyện Phú Lương chưa ký.

Cũng đầu năm 2013, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) gửi công văn tới các cơ quan, đơn vị có chức năng về cấp, giao dịch liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm "phong tỏa" 483 phôi sổ đỏ đã bị thất lạc. Các sự kiện liên tiếp thổi bùng nỗi lo về các phôi "sổ đỏ" bị thất lạc được sử dụng để lừa đảo mua bán nhà đất, thế chấp…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận: "Phải nói rằng hiện quy định về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp: hoặc phôi có serie lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký GCNQSDĐ.."

Ở một diễn biến khác, là thảm cảnh của 5 hộ gia đình, cá nhân tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đang bị UBND Tp. Hà Nội thu hồi sổ đỏ sau khi được UBND quận Cầu Giấy thực hiện đúng, đầy đủ quy trình cấp sổ vào năm 2009. Các chủ sở hữu của hơn 1.200m2 đất tại địa bàn này đã bị chính cơ quan từng cấp GCNQSDĐ thu hồi lại các sổ đỏ liên quan.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo kinh doanh