Xây cầu 3 năm, làm thủ tục 10 năm!

Cập nhật 11/01/2010 14:55

Thời gian qua đã có nhiều “kỷ lục rùa” được thiết lập trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường. Một trong những kỷ lục được xếp vào hạng nhất là cầu Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) dài 103m xây dựng 12 năm vẫn chưa biết ngày nào hoàn thành.

Thời gian qua đã có nhiều “kỷ lục rùa” được thiết lập trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường. Một trong những kỷ lục được xếp vào hạng nhất là cầu Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) dài 103m xây dựng 12 năm vẫn chưa biết ngày nào hoàn thành.

Cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền quận 5 với quận 4 và quận 8, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức


Ở nước ta, xây một chiếc cầu dài vài trăm mét phải mất ít nhất ba năm, cầu quy mô hơn thì mất ít nhất 10 năm. Dự kiến cuối tháng 3-2010 sẽ thông xe cầu Cần Thơ - cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, dài 2.720m (gồm cầu chính và cầu dẫn) - sau gần 14 năm triển khai, tính từ ngày hoàn thành báo cáo dự án tiền khả thi được duyệt.

Trước đó, năm 2007 TP.HCM đã vui mừng khi xây dựng xong cầu Thủ Thiêm sau nhiều lần “di dời” ngày hoàn thành đã hứa với dân. Cũng vậy, mãi đến năm 2009 TP mới xây dựng xong cầu Nguyễn Văn Cừ, đưa các quận 4, 8 về gần với trung tâm TP và giảm tải cho cầu Chà Và, Chữ Y.

Đường 5 năm, cầu 10 năm

Với hệ thống tư liệu có được, chúng tôi thấy thời gian để xây dựng một chiếc cầu mất ít nhất 10 năm. Cụ thể, dự án cầu Nguyễn Văn Cừ từ khi có báo cáo nghiên cứu khả thi, rồi làm thủ tục thông qua các cấp thẩm quyền từ TP đến trung ương phê duyệt, đến lúc xây dựng xong vừa đúng 10 năm. Cũng với các thủ tục trên, công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm nối từ Q.Bình Thạnh qua Q.2 mất hết chín năm.

Không thua gì công trình xây cầu, thời gian để xây dựng một con đường cũng mất gần 10 năm. Chẳng hạn đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa dài 3,7km, mặt đường cũ rộng 14-16m được mở rộng lên 30m đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2000, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2010 - cũng vừa tròn 10 năm.

Ưu tiên nhưng vẫn chậm

Mặc dù dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được cấp thẩm quyền cho phép chỉ định thầu thi công và nhà thầu thi công đến đâu ngân sách trả tiền ngay đến đó, nhưng do cấp vốn chậm nên công trình thi công trì trệ.

Ông Dương Tuấn Minh cho biết năm 2007 và đầu năm 2009, hai lần ngân sách cấp vốn chậm mỗi đợt ba tháng nên thời gian đình trệ kéo dài đến sáu tháng. Công trình này chậm còn do vướng đền bù giải tỏa, đến nay nhánh đường nối từ quốc lộ 1 A vào nút giao thông Chợ Đệm còn vướng hai hộ dân, dự kiến cuối năm 2010 mới hoàn thành.

Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải đưa vào sử dụng đầu năm 2007.

Trước đó, công trình xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.1 và Q.Bình Thạnh) dài 3,7km, từ khi lập báo cáo khả thi năm 1996 đến khi hoàn thành công trình năm 2001 đúng năm năm (trễ tiến độ hai năm).

Theo kế hoạch, đầu năm 2010 hoàn thành dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) có tổng chiều dài 62km. Công trình này là một phần của dự án đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2001, mãi đến năm 2004 mới khởi công và như vậy mất gần chín năm nước ta mới có đường cao tốc.

Ngoài dự định

Ông Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án cầu Cần Thơ, phân tích thời gian chuẩn bị và bắt tay xây dựng cầu Cần Thơ kéo dài vì mất 10 năm làm thủ tục, trong đó có thời gian tìm nguồn vốn đầu tư, trong khi thời gian xây cầu chỉ khoảng ba năm (không tính hơn một năm đình trệ do sự cố sập đường dẫn cầu).

Rõ ràng việc xây dựng cầu Cần Thơ chậm vượt ngoài dự định của các cơ quan thẩm quyền. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng năm 2000 thì cầu Cần Thơ phải hoàn thành vào năm 2005.

Theo ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, công trình thi công cầu Nguyễn Văn Cừ chậm vì một số gói thầu phải đấu thầu lại 3-4 lần. Nguyên nhân chính là căn cứ thông báo giá vật tư của liên sở Tài chính và Xây dựng TP để lập dự toán công trình quá thấp, trong khi các nhà thầu bỏ giá cao hơn dự toán. Mỗi lần hủy thầu là mất thời gian từ 2-3 tháng trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, trong quá trình thi công gặp biến động giá vật tư tăng cao và phải tăng tiền lương nhân công, trong khi trong hợp đồng với các nhà thầu không có điều khoản điều chỉnh giá nên các nhà thầu thi công ì ạch.

Vừa thi công vừa giải tỏa

Trước việc nhiều công trình thi công kéo dài, năm 2004 một lãnh đạo TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được ứng vốn đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm. Đồng thời đề nghị Thủ tướng chấp thuận ủy quyền cho chủ tịch UBND TP được áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu của dự án. Theo lãnh đạo này, nếu được sự chấp thuận thì trong một năm sẽ hoàn thành xây dựng cầu Thủ Thiêm vào dịp 30-4-2005.

“Nếu UBND TP xây dựng cầu Thủ Thiêm trong vòng một năm - nghĩa là TP đang làm một cuộc cách mạng xây dựng các công trình hạ tầng với tiến độ nhanh nhất” - lúc đó nhiều chuyên gia trong ngành cầu đường đã nhận định như vậy.

Tuy nhiên, trong thực tế đến ngày 24-4-2005 TP.HCM mới làm lễ động thổ cầu Thủ Thiêm và mãi đến ngày 9-1-2008 mới khánh thành. Trong ngày lễ khánh thành, chủ đầu tư dự án Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết công trình được xây dựng trong điều kiện rất khó khăn vừa thi công vừa giải tỏa 295 hộ dân và bốn cơ quan, đơn vị. Ngoài ra phải di dời toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, bưu điện, cấp nước, chiếu sáng và cây xanh... nên thời gian thi công kéo dài hơn dự kiến hai năm.

Với những lý do đã trình bày ở trên, muốn tạo đột phá để thi công một chiếc cầu, một con đường trong thời gian ngắn nhất không phải là điều dễ dàng. Nhiều chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công khẳng định như vậy.

>>Kỳ 2: 4 giải pháp xóa "kỷ lục rùa"


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO