Dẫu rằng được người dân hết sức mong đợi nhưng sau thời gian dài triển khai xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, dự án đăng ký thì quá nhiều trong khi thực tế triển khai lại rất ít. Vướng mắc cơ bản trong thực thi chính sách này là vốn và quỹ đất.
Dân mong được đăng ký mua nhà dành cho người thu nhập thấp |
Đăng ký nhiều, làm ít
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay tại 35 tỉnh, thành của cả nước có 263 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đăng ký, với tổng mức đầu tư 72.710 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đối ứng của địa phương 2.958 tỷ đồng, huy động từ các thành phần kinh tế 69.752 tỷ đồng. Quy mô số căn hộ khoảng 205.380 căn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 821.500 người.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết:
Sau khi nhận hồ sơ đăng ký xây nhà cho người thu nhập thấp từ đầu năm 2010 đến nay, Bộ vừa gút lại 30 dự án trong tổng số hơn 200 dự án.
Số dự án này nằm trên diện tích đất 211 ha, diện tích sàn khoảng 1,762 triệu m2, tổng vốn 9.500 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 110.000 người.
Riêng Hà Nội, có 6 dự án đăng ký trên diện tích đất 165 ha, diện tích sàn 430.000 m2, vốn đầu tư 2.640 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho 21.500 người… |
Thế nhưng, đến cuối năm 2009, chỉ có 31 dự án khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng 655.000 m2, tương đương 7.500 căn hộ. Như vậy, tổng vốn đã đầu tư chỉ chiếm 3,4 % tổng vốn đăng ký.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đối với dự án xây nhà ở dành cho học sinh, sinh viên, đến nay cũng mới có 88 dự án được khởi công nhưng tiến độ rất chậm.
Đối với nhà ở cho công nhân, hiện cũng chỉ có 24 dự án được khởi công, với vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số dự án đã đăng ký. Riêng Hà Nội chưa có dự án nào đăng ký xây dựng nhà ở cho công nhân.
Lý giải hiện tượng đăng ký nhiều nhưng làm ít, ông Trịnh Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển nhà (Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng) cho biết, các doanh nghiệp hầu hết chưa lập xong dự án lại có sự điều chỉnh quy hoạch khu vực đất đó, khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chần chừ vào cuộc, vì còn chờ vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Cũng theo ông Sơn, thủ tục rườm rà, thiếu quy hoạch ổn định cũng là cản trở đối với chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Một doanh nghiệp từ khi tham gia đến khi có dự án phải mất 1-2 năm. Sau đó, có dự án chuẩn bị đi vào hoạt động thì phải tạm dừng, chờ điều chỉnh quy hoạch chung, rồi quy hoạch lại, quy hoạch các vùng xung quanh…
Gỡ ra sao?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, rất ít doanh nghiệp mặn mà với các dự án cho người thu nhập thấp, vì đòi hỏi vốn lớn, trong khi khó huy động vốn ứng trước của người mua, khả năng thu hồi vốn lại kéo dài, lợi nhuận không cao như các dự án bất động sản khác. Do đó, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ còn gặp khó khăn.
Theo quy định, các địa phương phải bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp gắn với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới, với tỷ lệ tối thiểu 20% hoặc bố trí quy hoạch riêng. Thế nhưng, đến nay các địa phương vẫn rất chậm trễ trong triển khai điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất.
Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đáp ứng chỗ ở cho 60% HSSV; trong giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 30.000 tỷ đồng (trung bình mỗi năm cần 6.000 tỷ đồng).
Về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ưu đãi cụ thể, đồng bộ đối với chủ đầu tư dự án, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được áp dụng thuế suất ưu đãi, thuế giá trị gia tăng 5%; được hỗ trợ tín dụng đầu tư; được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu thực hiện cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với lãi suất ưu đãi 6 - 7% năm, thời hạn vay 10 - 15 năm. Các đợt xét cho vay này sẽ tiến hành vào các tháng 4, 8 và 12-2010.
Điều kiện để các doanh nghiệp được vay vốn là có đất sạch (đã giải phóng mặt bằng), được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và có quy hoạch phê duyệt dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong