Vướng mắc trong việc nâng cấp chung cư cũ

Cập nhật 04/11/2014 16:33

Tuy đã có các chính sách cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nhưng hiệu quả trong quá trình triển khai không cao và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tuy đã có các chính sách cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nhưng hiệu quả trong quá trình triển khai không cao và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hà Nội đang có khoảng hơn 1.000 nhà chung cư cũ với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu m2. Phần lớn các nhà chung cư được xây dựng từ trước những năm 1980. Đến nay, nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và cảnh quan đô thị. Thời gian qua, chính quyền thành phố đã ban hành các chính sách nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư này. Tuy nhiên, hiệu quả trong quá trình triển khai các chính sách này không cao và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đã được đưa vào diện cần xây dựng lại, thế nhưng đến nay, người dân vẫn phải sống trong các dãy nhà nghiêng hẳn về một bên.

Tình trạng sụt lún của các khu nhà gây ra những vết nứt lớn trên tường trong các hộ gia đình. Trần nhà bị bong tróc do thấm nước mưa lâu ngày từ trên sân thượng. Bên cạnh đó, do nhu cầu về diện tích sử dụng, các hộ dân tự ý cơi nới càng làm cho bộ mặt các khu tập thể này ngày một nham nhở. Không chỉ vậy, những bồn nước trên cao được xếp chen chúc nhau chả khác gì những quả bom nổ chậm chờ kích nổ.

Các khu chung cư cũ ở Thành Công hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Đỗ Chí Dũng - Tổ phó tổ dân phố số 32, phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cho biết:“Đối với các hỏng hóc lớn, người dân đã phải tự khắc phục, sửa chữa, còn những chỗ hư hại nhỏ, chúng tôi cứ để nguyên như vậy”.

Theo khảo sát của Viện Kiến trúc quốc gia, các khu chung cư tại Hà Nội đều đã xuống cấp mức độ nguy hiểm, người dân cũng không có được khu vui chơi, sinh hoạt chung… Hầu hết các khu chung cư cũ này đều sở hữu vị trí đất vàng tại Hà Nội bởi nằm trong các quận nội thành. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà việc cải tạo xây mới gặp bế tắc do bị hạn chế bởi quy hoạch chung thủ đô, khu vực 4 quận nội thành lại không được xây cao tầng. Vướng mắc này khiến các nhà đầu tư không mặn mà trong việc tham gia xã hội hóa các khu chung cư.

Ông Nguyễn Huy Khanh - Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng Việt Nam chia sẻ: “Các doanh nghiệp nhận thấy không có lãi khi tham gia nên cần phải có chính sách hài hòa lợi ích giữa các bên để giải quyết vấn đề này”.

Bà Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, nếu chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp mà không tính đến yếu tố xã hội học sẽ lặp lại sai lầm, gây lãng phí lớn.

Cơ chế chính sách không đồng bộ, người dân chưa ý thức đúng đắn giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong việc di dời trong khi doanh nghiệp kỳ vọng về lợi ích quá cao đối với các dự án cải tạo chung cư cũ. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có thể tìm ra phần lợi ích chung giữa các bên. Các doanh nghiệp khi tham gia cũng nên chú ý đến lợi ích dài lâu thay vì lợi ích trước mắt, bởi từ những vị trí trung tâm, nếu quy hoạch đầy đủ các khu dịch vụ chức năng, những dự án này sẽ mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài cho doanh nghiệp.


DiaOcOnline.vn - Theo VTV