Vướng mắc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 13/12/2013 09:22

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TPHCM - hiện nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn còn nhiều vướng mắc, liên quan đến việc mở rộng đối tượng cho vay, lãi suất cho vay, công chứng... ảnh hưởng nhiều đến tốc độ cho vay và giải ngân. Xuất phát từ thực tiễn, vừa qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TPHCM đã đề xuất một số kiến nghị để tháo gỡ những “nút thắt” này.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TPHCM - hiện nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn còn nhiều vướng mắc, liên quan đến việc mở rộng đối tượng cho vay, lãi suất cho vay, công chứng... ảnh hưởng nhiều đến tốc độ cho vay và giải ngân. Xuất phát từ thực tiễn, vừa qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TPHCM đã đề xuất một số kiến nghị để tháo gỡ những “nút thắt” này.

Theo ông Minh, kể từ khi triển khai cho vay trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tại TPHCM, đến nay đã có 316 hợp đồng được ký kết, trong đó có 315 hợp đồng của cá nhân và một hợp đồng của doanh nghiệp. Trong đó, số tiền cho cá nhân vay chiếm 76 tỷ đồng, số tiền cho doanh nghiệp vay chiếm 540 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần được giao nhiệm vụ giải ngân gói tín dụng này đã giải ngân được 84,5 tỷ đồng. Sở dĩ tốc độ cho vay khá chậm là do hiện có nhiều “nút thắt” trong việc triển khai.

Một trong những vướng mắc hiện nay là tình trạng các phòng công chứng không công chứng các hợp đồng đối với loại tài sản hình thành trong tương lai. Theo quy định của Luật Đất đai thì phòng công chứng sẽ chỉ công chứng khi các tài sản đã được trả hết tiền hoặc đã được xác lập quyền sở hữu cụ thể, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH) nhà ở, đất ở. Nhưng với tài sản hình thành trong tương lai thì chưa đề cập, nên phòng công chứng không chịu thực hiện công chứng và ngân hàng không thể thực hiện cho vay.


Nhiều dự án nhà ở thương mại tạm ngưng thi công, dẫn đến nghịch lý... tồn kho nhiều nhưng không có sản phẩm để sử dụng

Một vướng mắc khác là lãi suất cho vay sẽ được tính như thế nào sau thời hạn 10 năm. Theo quy định, đối tượng mua nhà ở xã hội sẽ chỉ được cho vay trong thời gian tối đa 10 năm. Thời hạn trên đang được đề xuất nới rộng tới 15 năm để giảm áp lực trả nợ cho người vay. Tuy nhiên theo ông Minh, thời hạn cho vay đã được tính toán kỹ nên rất khó để có thể nới quá 10 năm. Vấn đề ở đây là nếu sau 10 năm người mua nhà vẫn chưa trả hết nợ thì lãi suất sẽ tính như thế nào, vì hiện nay lãi suất các ngân hàng đang áp dụng không đồng nhất.

Nguồn cung nhà ở xã hội hiện rất thấp, nguồn cung nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 mét, giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng hạn chế, nên dẫn đến tình trạng người có nhu cầu mua nhà ở rất khó tìm được nhà như mong mỏi. Để giải quyết vướng mắc trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, UBND thành phố cũng kiến nghị cho người mua nhà được mua nhà có diện tích trên 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay cách tính lãi suất cho vay đối với diện tích dôi dư này như thế nào cũng chưa có hướng dẫn, vì thực tế phần này không được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm.

Một trong những yếu tố khiến việc triển khai cho vay gói tín dụng này bị chậm trễ còn có một nguyên nhân khác. Đó là chỉ có năm ngân hàng thương mại của Nhà nước triển khai cho vay, nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ triển khai gói tín dụng. Để đẩy nhanh tiến độ, nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng việc triển khai cho vay rộng rãi hơn, cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần có uy tín được tham gia.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công An