'Vướng' hàng tồn kho, thị trường bất động sản khó khởi sắc

Cập nhật 31/07/2013 10:45

Lượng giao dịch có dấu hiệu tăng, lãi suất giảm tạo sức hút cho bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn khó phục hồi mạnh mẽ vì lượng hàng tồn kho quá lớn, chính sách chưa đủ mạnh.

Lượng giao dịch có dấu hiệu tăng, lãi suất giảm tạo sức hút cho bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn khó phục hồi mạnh mẽ vì lượng hàng tồn kho quá lớn, chính sách chưa đủ mạnh.

Bất động sản có thể hấp dẫn hơn khi lãi suất thấp

Hiện nay, một số ngân hàng lớn như VCB và Agribank đã giảm lãi suất huy động ngắn hạn xuống 5%. Theo đánh giá của nhóm phân tích MBKE Research, mặc dù việc giảm lãi suất huy động chưa lập tức tác động tới thị trường bất động sản nhưng nếu mức lãi suất này được duy trì sẽ tác động tới thị truờng bất động sản trong dài hạn.

Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà vào khoảng 6-8%/năm, mức độ chênh lệch 1-3% so với lãi suất tiết kiệm có thể dẫn tới tâm lý sở hữu bất động sản cho thuê thay vì gửi ngân hàng.

Giao dịch trong quý 2 tăng 30%

Theo Công ty Bất động sản CBRE và 1 số thống kê về thị trường bất động sản khác, trong quý 2/2013, khoảng 1.600 căn hộ được bán ra, tăng 30% q/q và là mức cao trong vòng 2 năm qua. Ngoài ra đây cũng là quý thứ tư liên tiếp số lượng giao dịch tiếp tục đạt trên 1.000 căn sau khi chạm đáy vào quý 2/2012 với chỉ 400 căn được giao dịch.

Ngoài mảng căn hộ, giao dịch mảng văn phòng cho thuê cũng đã tăng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, diện tích thực thuê đạt gần 50.000 m2, tương đương với 80/% diện tích đã thuê trong cả năm

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 30.000 tỷ (với lãi suất cho vay thay đổi hàng năm nhưng chỉ bằng 50% lãi suất cho vay tại các ngân hàng và không quá 6%) giúp người mua nhà ở phổ thông và nhà ở xã hội đang có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (hiện nay lãi suất cho vay trung bình khoảng 10%).

Nhưng... tồn kho lớn, chính sách chưa đủ mạnh

Mặc dù dấu hiệu giao dịch bất động sản đang tăng nhưng lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn với trên 16.000 căn hộ, giá trị ước tính hơn 110.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, gần 10.000 căn hộ nữa có thể hoàn thành nhưng trì hoãn hoàn thành. Với sức tiêu thụ như hiện nay, cần từ 4-5 năm để số căn hộ này được tiêu thu hết. Vì thế, giá căn hộ sẽ khó tăng trong thời gian tới đặc biệt là phân khúc cao cấp và trung cấp.

Theo nhóm phân tích MBKE Research, với lợi nhuận gộp biên vẫn còn cao (~30%) nên giá của phân khúc này có thể sẽ giảm và khuyến mãi thêm để phù hợp với tầng lớp có thu nhập khá .

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh. Các chính sách hỗ trợ bất động sản như gói kích cầu 30.000 tỷ, thành lập Công ty Xử lý nợ xấu - VAMC và cắt giảm 50% VAT với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nhỏ tạo tín hiệu lạc quan ban đầu với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, họat động VAMC chưa rõ ràng trong việc thanh lý các khỏan nợ xấu (đa số tài sản thế chấp của nợ xấu là bất động sản) và gói hỗ trợ bất động sản cũng hướng tới khách hàng thu nhập thấp thay vì toàn bộ thị trường.
 


Thực tế, gói hỗ trợ 30.000 tỷ cũng không giải quyết nhiều lượng hàng tồn kho nêu trên do chỉ 1 phần nhỏ dự án đang xây dựng chuyển công năng, hầu hết các dự án xin chuyển đổi đều chưa khởi công. Vì vậy khó để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ từ thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó CPI đã có dấu hiệu tăng trở lại do yếu tố tác động trên thế giới (giá xăng tăng). Sắp tới, các yếu tố trong nước như giá các dịch vụ y tế tăng (theo lộ trình) và học phí tăng (có tính chu kỳ) sẽ tạo áp lực lên CPI và ảnh hưởng tới việc kích cầu nền kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số