Vũng Áng: Nơi hội tụ của "siêu dự án"

Cập nhật 22/09/2009 16:25

Với gần 23 nghìn ha của 9 xã thuộc huyện Kỳ Anh, Vũng Áng đang "tích tụ" để trở thành khu vực kinh tế phát triển nhất của tỉnh Hà Tĩnh trong nay mai.

Tựa lưng vào núi, Khu kho ga, xăng dầu của Công ty Xăng dầu - Dầu khí Vũng Áng đã lên hình hài với những bồn chứa liên hoàn - Ảnh: Anh Quân

Với gần 23 nghìn ha của 9 xã thuộc huyện Kỳ Anh, Vũng Áng đang "tích tụ" để trở thành khu vực kinh tế phát triển nhất của tỉnh Hà Tĩnh trong nay mai.

Nằm ở rìa biên giới phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng là địa bàn cách xa thành phố Hà Tĩnh nhất. Song những dự án quy mô vốn lớn nhất nước của các tập đoàn đa quốc gia như Formosa, TATA…; những kế hoạch hình thành nên cảng hậu cần nước sâu làm động lực cho giao thương của khu vực; các kế hoạch thu hút nhân lực lớn đang "đánh thức" Vũng Áng bằng những thay đổi từng ngày.

Nơi hội tụ của "siêu dự án"

Ở về phía Tây của Khu kinh tế, Tổ hợp nhà máy cán thép của Tập đoàn Vạn Lợi đang đi vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để có thể cho ra sản phẩm vào đầu năm 2010. Trong khi đó, tiếp giáp với biển về phía Đông, cảng Vũng Áng 1 là sừng sững những con đập bê tông vững chãi, chia cách đất liền với vùng mặt nước xanh thẳm.

Tựa lưng vào núi, Khu kho ga, xăng dầu của Công ty Xăng dầu - Dầu khí Vũng Áng đã lên hình hài với những bồn chứa liên hoàn, đang bước vào hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của khu điều hành, sẵn sàng phục vụ ga và khí ga cho Khu kinh tế, nước bạn Lào và các tỉnh Đông bắc Thái Lan.

Trong khi đó, ở một góc khác, Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 mới là khu đất bằng phẳng hút tầm mắt, đang được thi công phần nền móng.

Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng Thái Văn Hóa khoát tay một vòng nói: “Thành lập hơn 3 năm nay, chúng tôi đã thu hút được 70 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, với tổng vốn đăng ký đạt 32,5 tỷ USD”.

Ông Hóa cũng cho biết, ngoài Dự án khu liên hợp luyện cán thép và cảng Sơn Dương với mức đầu tư 7,9 tỷ USD, hiện nay, Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư một khu lọc hóa dầu trị giá 12,4 tỷ USD, thuộc dự án lớn nhất cả nước, tính cho đến thời điểm này.

Tiếp nối Dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD đã được triển khai cách đây 2 năm, LILAMA và PACO đã có quyết định và được chấp thuận đầu tư tiếp nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 để hình thành một Trung tâm nhiệt điện tổng công suất 4.800MW, trị giá 3 tỷ USD.

Thuộc hàng các dự án tỷ USD, tại Khu kinh tế Vũng Áng hiện còn có một số dự an đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ và chờ cấp giấy phép như dự án luyện thép của TATA (Ấn Độ) có công suất 4,5 triệu tấn/năm, trị giá giá 5 tỷ USD; hay dự án luyện cán thép của công ty cổ phần khai thác mỏ sắt Thạch Khê công suất 2 triệu tấn/năm, trị giá 2 tỷ USD…

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 19/9 tại Hà Tĩnh vừa qua, đã có vài dự án lớn tiếp tục được trao giấy chứng nhận đầu tư, tiêu biểu là dự án phát triển khu công nghiệp đa ngành quy mô 200ha và khu dịch vụ 20ha.

Cũng theo ông Hóa, Vũng Áng hiện có một khối lượng dự án khổng lồ đổ vào. Chỉ tính riêng sản lượng thép dự án của Formosa đã là 7,5 triệu tấn/năm, của TATA là 4 triệu, Thạch Khê 2 triệu, Vạn lợi 500 nghìn tấn. Và kèm theo các siêu dự án này, nhiều doanh nghiệp phụ trợ đã bắt đầu tăng tốc đầu tư vào Khu kinh tế.

Phía Tập đoàn Formosa, dự án đầu tư vào Hà Tĩnh vẫn nằm trong các ưu tiên phát triển ngay cả ở giai đoạn khó khăn về vốn. “Việc chuyển tiền trả cho giá trị thuê đất vẫn được phía Formosa giải ngân theo đúng tiến độ. Lời hứa xây dựng 20 trường học cho các xã dự án lấy đất vẫn đang được triển khai, ông Hóa cho biết.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng

Hệ thống đập và ống dẫn nước đang được gấp rút xây dựng, hệ thống điện đã đáp ứng đủ theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng với khu kinh tế này, hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Tạo dựng cơ sở hạ tầng tái định cư cho 1.864 hộ dân thuộc diện di dời, để cho “chỗ ở mới phải tốt hơn nơi cũ” không phải là chuyện ngày một, ngày hai. “Việc tái định cư gặp một số khó khăn do diện tích thu hồi lớn, lại đòi hỏi tiến độ nhanh, nên cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh”, ông Hóa cho biết.

Để làm được việc này, rất nhiều nguồn lực đang được huy động. Từ cuối năm 2008 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 1.150 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nguồn vốn chủ động từ ngân sách địa phương.

Song song với việc đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng Khu kinh tế, xây dựng khu tái định cư cho người dân phải di dời, xây dựng trụ sở xã, trạm xá, trường học… Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng còn tư vấn miễn phí thiết kế nhà, giới thiệu vật tư thích hợp cho người dân tái định cư.

Chúng tôi vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bán vật liệu xây dựng với giá bán buôn, tập trung hàng hóa, phương tiện vận chuyển ngay tại khu vực để hỗ trợ dân, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho hay.

Khu xử lý rác 30ha cho Khu kinh tế đã được quy hoạch. Vấn đề xử lý nước thải cho toàn bộ Khu kinh tế cũng được trao cho đối tác phía Nhật Bản làm công tác tư vấn. Bằng việc hỗ trợ người dân về mọi mặt, chúng tôi đang thay đổi nhận thức của nhân dân theo hướng tích cực, để có được sự đồng thuận của xã hội, ông Hóa chia sẻ.


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy