Sự phát triển đến chóng mặt của nhà cao tầng cho thấy sự thay đổi tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, ngoài những hạn chế dễ nhận thấy của nhà cao tầng như...
Sự phát triển đến chóng mặt của nhà cao tầng cho thấy sự thay đổi tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, ngoài những hạn chế dễ nhận thấy của nhà cao tầng như phong cách kiến trúc nhại cổ, lộn xộn, tổ chức không gian đơn điệu, sử dụng vật liệu không phù hợp… giới chuyên môn đã nhìn ra một hạn chế rất đáng kể trong sử dụng đất xây dựng nhà cao tầng, đó là việc chia lô cho từng chủ đầu tư, thậm chí có lô đất lại còn được “xé nhỏ” thành hai, ba phần khi triển khai xây dựng.
Về sử dụng đất, theo KTS Nguyễn Phú Đức, số 4 Láng Hạ là ví dụ cho việc một lô đất bị “xé lẻ” khi triển khai đầu tư xây dựng hai công trình xây dựng cao 9 - 11 tầng với phong cách khác hẳn nhau. Hay tại số 517 - 519 Kim Mã (đối diện khách sạn DEAWOO), liền kề khu đất, cùng một thời điểm xây dựng nhưng lại không kết hợp thành tổ hợp công trình.
Sự phí phạm trong việc chia lô trụ sở, nhà cao tầng diễn ra ở nhiều nơi. Có khi chủ đầu tư không đủ năng lực nên khi xây dựng không đảm bảo số tầng cao theo yêu cầu quy hoạch. Tòa nhà Tungshing số 4 Ngô Quyền, ở vị trí có giá trị cao nhất Hà Nội, nhưng mới chỉ xây dựng một khối 16 tầng trong hai khối nhà cao tầng đã phê duyệt từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó cũng có những chủ đầu tư xây quá mức cho phép để cho thuê kiếm lời, trong khi quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, cần thay đổi quan điểm sử dụng đất là sở hữu đất, chấm dứt tình trạng chia lô xây dựng nhà cao tầng. Không ngăn chia bằng tường rào quanh ranh giới mà kết hợp thành những tổ hợp công trình.
Tầng dưới cùng của các công trình cao tầng hay tổ hợp các công trình cao tầng tại các khu trung tâm cấp thành phố, quận hay đường giao thông lớn, đường vành đai cần có quy định để xác không gian này được sử dụng vào mục đích công cộng chung, có hệ thống nhà cầu hay đường dẫn mái che liên kết các công trình với nhau và với các điểm đỗ ô tô công cộng, cầu vượt qua đường.
Khi nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị, nhà quản lý cần hoạch định, đề xuất quy mô, chiều cao của từng khu vực đô thị, khoảng lùi của từng công trình để tạo không gian đóng mở thay đổi về tầm nhìn, không gian đường phố và bóng dáng đô thị. Các công trình trên một tuyến phố nhưtuyến Lê Văn Lương cần được coi là một tổ hợp cao tầng để có định hướng, điều lệ quản lý và phải được tuân thủ chặt chẽ.
Theo TS-KTS Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cách tổ chức không gian như nêu ở trên vừa phù hợp với tính chất khí hậu của Hà Nội, vừa phát huy hết công suất sử dụng công trình và đặc biệt hơn là làm bật lên tính chất công trình kiến trúc vì còn người. Cách làm tại khu đô thị 63 tỉnh, thành được nhiều chuyên gia quy hoạch đánh giá là cách làm tốt, nên khuyến khích. Tại khu đô thị này không chia thành các lô đất mà xác định các không gian tổ hợp công trình liên hoàn cao thấp và được chia thành các đơn nguyên.
Trong tương lai gần, nếu có chính sách khoa học, hữu hiệu và kịp thời thì Hà Nội sẽ phát huy được rất nhiều lợi thế để phát triển các tổ hợp cao tầng. Về đất đai, hiện nay thành phố đang thực hiện quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, di dời các khu công nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm.
Chính những vị trí này là những khu đất phù hợp để xây dựng các tổ hợp cao tầng (nhà máy Rượu - 94 Lò Đúc, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - 191 Bà Triệu, Nhà máy Cơ khí Ngô Gia Tự - góc giao phố Trần Hưng Đạo và Phan Chu Trinh…). Các dự án xây dựng cải tạo khu tập thể cũ cũng là cơ hội khi không làm theo cách cũ (chỉ nghiên cứu, thiết kế trong ranh giới đất của dự án) mà quy hoạch một cách tổng thể, xem xét đến các yếu tố không gian, cảnh quan của khu vực xung quanh, lựa chọn vị trí các tổ hợp cao tầng làm điểm nhấn.
Theo KT & ĐT