Vốn tín dụng chảy mạnh vào thị trường nhà ở

Cập nhật 26/09/2007 09:00

Hàng loạt các ngân hàng (NH) TMCP đã “làm mới” chương trình tín dụng bất động sản (BĐS) của mình bằng việc công bố...

Hàng loạt các ngân hàng (NH) TMCP đã “làm mới” chương trình tín dụng bất động sản (BĐS) của mình bằng việc công bố hàng loạt các chính sách nới rộng điều kiện cho vay dành cho những người dân có nhu cầu sở hữu một căn nhà.

Hấp dẫn người vay

Trước nhu cầu vay vốn mua BĐS đang tăng cao, OCB đẩy mạnh việc liên kết cho vay trọn gói đối với nhà đầu tư thực hiện dự án và cho vay cá nhân mua nhà dự án.

Không chỉ cho vay mà NH vừa tăng thời hạn cho vay từ 15 năm lên 20 năm. Đối với khách hàng thế chấp nhà ở là tài sản hình thành từ vốn vay, mức cho vay đến 80% giá trị nhà. Trường hợp thế chấp bằng BĐS là nhà đất khác do khách hàng đứng tên hoặc của bên thứ ba đứng ra bảo lãnh, mức cho vay tối đa 100% giá trị hợp đồng mua. Chính sách đột phá này phù hợp với kế hoạch tăng dư nợ cho vay BĐS của OCB trong năm 2007 lên 30% tổng dư nợ.

Giữa tuần qua, Sacombank cũng đã giải ngân trên toàn quốc khoản vay 500 tỷ đồng của IFC tài trợ nhằm đáp ứng nhu cầu vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở ngày càng tăng của khách hàng. Mức cho vay tối đa 2,8 tỷ đồng, thời hạn 20 năm và tỷ lệ cho vay không quá 70% tài sản đảm bảo.

Sacombank cho vay lãi suất khá ưu đãi: từ năm thứ 1 đến năm thứ 4 lãi suất 0,99%/tháng, từ năm thứ 5 đến năm thứ 10 lãi suất bằng lãi suất huy động 13 tháng + biên độ 0,3%/tháng, từ năm thứ 11 trở đi áp dụng lãi suất thông thường. Khách hàng vay vốn còn được tặng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro khác cho BĐS thế chấp với giá trị bảo hiểm bằng số tiền cho vay.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho rằng hiện nay dịch vụ cho vay mua nhà trả góp do các NH thực hiện đã mở một cánh cửa giúp nhiều người dân có thể mua nhà, nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn bởi sự hạn chế về thời hạn trả góp và áp lực về lãi suất. Sacombank đã tạo được niềm tin đối với các định chế tài chính nước ngoài nhằm tận dụng các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp hơn để tạo điều kiện cho người dân ngày càng tiến gần hơn đến ngôi nhà mơ ước của mình.

Southernbank cũng vừa giới thiệu đến khách hàng sản phẩm cho vay mua nhà, đất ở. Tham gia sản phẩm này, khách hàng có thể dùng chính căn nhà hoặc nền nhà mà mình có ý định mua để làm tài sản thế chấp trong thời hạn 15 năm.

Đặc biệt, định mức Southern Bank cho vay lên đến 95% nhu cầu vốn cần vay. Eximbank cũng vừa triển khai dịch vụ tài trợ vốn cho khách hàng mua BĐS tại các khu dự án Phú Mỹ Hưng; Vạn Phát Hưng; Vista... Hồ sơ được giải quyết trong vòng 2 ngày kể từ khi khách hàng nộp đầy đủ giấy tờ. Hạn mức vay trên dưới 70% giá trị tài sản đảm bảo trong thời hạn 20 năm, lãi suất khoảng 1% - 1,15%/tháng tùy từng giá trị và thời gian vay.   Tiềm năng hay rủi ro?

Năm ngoái, dư nợ cho vay BĐS của các NH chỉ chiếm từ 15-20% tổng dư nợ, hiện nay tỷ lệ này đã chiếm từ 25-30% tổng dư nợ. Nếu như trước đây các NH chủ yếu chỉ cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà và rất thận trọng rót tiền vào các dự án nhà ở, thì hiện nay hầu hết các NH đều đã liên kết từ 5-10 chủ đầu tư để cung cấp vốn và liên kết cho vay.

Nguồn tín dụng bơm vào BĐS của các NH vẫn là nguồn vốn ngắn hạn huy động chủ yếu từ tiền gửi của dân cư. Do vậy, việc nới rộng mức cho vay và kéo dài thời hạn vay từ 15-20 năm có là áp lực lớn cho các NH, vì sử dụng vốn ngắn hạn trong một lĩnh vực có tính chất dài hạn như BĐS sẽ đe dọa đến tính thanh khoản của các NH.

Cuộc khủng hoảng về  những khoản vay thế chấp bằng BĐS tại các NH Hoa Kỳ cũng là bài học cho các NH Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ở nước ta thị trường cho vay BĐS theo hình thức cầm cố còn khá thấp so với mức bình quân trong khu vực. Nhưng độ sâu của thị trường tài chính nói chung và BĐS nói riêng của Việt Nam còn rất thấp do vậy mức độ biến động giá cả theo chu kỳ khá lớn có thể làm tính thanh khoản của thị trường gặp khó khăn khi có biến động.

Ông Lâm Hữu Hạnh, Phó Tổng giám đốc OCB, cho biết OCB tăng mạnh dư nợ BĐS nhưng NH chỉ tập trung vào việc cho cá nhân vay mua nhà và cho vay trả góp, hoặc tham gia vào những dự án xây dựng căn hộ cao cấp, nhà cho thuê thông qua việc liên kết với những đối tác uy tín chứ không tham gia những dự án nhỏ lẻ cá nhân.

Thực tế thị trường BĐS đang dần phục hồi và đang trở thành kênh thu hút vốn từ người dân. Điều này xuất phát từ nhu cầu nhà ở đang có xu hướng tăng nhanh theo số lượng dân nhập cư từ các tỉnh đổ vào thành phố.

Theo ông Trầm Phạm Phú Khanh, Trưởng bộ phận tín dụng có thế chấp khối khách hàng cá nhân của ACB, các NH hiện nay chủ yếu nhắm đến cho vay đối tượng có thu nhập cao, chứ vẫn chưa chú trọng đến người dân có thu nhập trung bình thấp. Đây là thị trường tiềm năng mà các NH còn bỏ ngỏ.

      

Theo Sài Gòn Giải Phóng