Vốn “nóng”

Cập nhật 17/05/2010 11:40

Tại hội thảo về thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia đều khẳng định, những cơn "sốt" nhà đất thời gian qua đều do nguồn vốn “nóng” gây ra. Các chuyên gia phân tích...

Tại hội thảo về thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia đều khẳng định, những cơn "sốt" nhà đất thời gian qua đều do nguồn vốn “nóng” gây ra. Các chuyên gia phân tích: vốn là bài toán trọng tâm của thị trường BĐS, nếu có vốn thì tồn tại, không có vốn thị trường nguội lạnh, thậm chí là đổ vỡ.

Thực tế, điều này đã được chứng minh khá rõ qua diễn biến của thị trường trong hơn một năm qua. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, thị trường BĐS cả nước rất ảm đạm, giao dịch gần như ngưng trệ nhưng chỉ sau khi Chính phủ bơm tiền từ nguồn vốn kích cầu, tín dụng được nới lỏng, thị trường đã ấm dần lên, thậm chí ở Hà Nội và một số địa phương đã xảy ra sốt cục bộ trong 4 - 5 tháng, sau đó bất ngờ nguội lạnh trở lại ngay sau khi chính sách siết chặt tín dụng được triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thị trường BĐS luôn cần một nguồn vốn khổng lồ và dài hạn. Tuy nhiên, hiện tại kênh huy động vốn chủ yếu cho thị trường BĐS là từ tín dụng ngân hàng. Và đây chính là điểm yếu của thị trường BĐS nước ta. Giải pháp vốn cho thị trường này chưa thật ổn định, còn mang tính tình thế nên làm cho thị trường đỏng đảnh. Nếu mở rộng tín dụng một cách ồ ạt vào BĐS, nhất là phân khúc thị trường cao cấp sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ra hiện tượng bong bóng nhà đất.

Theo các chuyên gia, đặc điểm quan trọng nhất của ngồn vốn "nóng" là tham gia vào thị trường rất nhanh song cũng có thể rút ra khỏi thị trường rất nhanh. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tham gia vào thị trường BĐS dựa trên huy động từ những nguồn lực thiếu ổn định như vay nóng, tín dụng đen… càng cao càng tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.

Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng cảnh báo rằng thời gian vừa qua đã xảy ra một loạt các vụ việc tiêu cực liên quan đến chuyện huy động vốn theo cách "mua bán nhà trên giấy" để triển khai các dự án BĐS. Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 10 dự án trên địa bàn Hà Nội, cả 10 dự án đều có vấn đề liên quan đến những vi phạm quy định về huy động vốn bằng phương thức kể trên. Thậm chí có trường hợp chủ đầu tư lấy tiền huy động vốn của dự án A để đấu giá cho dự án B, có chủ dự án còn lợi dụng huy động vốn để đầu tư dự án theo kiểu "tay không bắt giặc"...

Và trong khi tiến độ dự án bị chậm lỗi hoàn toàn do mình nhưng chủ đầu tư lại "bắt nạt" khách hàng, buộc khách phải nộp thêm tiền. Thậm chí đã xuất hiện nhiều trường hợp "bán nhà khống", khiến các nhà đầu tư thứ cấp gánh chịu mọi rủi ro.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên