Trước ngưỡng cửa phục hồi thậm chí hấp dẫn trở lại bởi dòng vốn ngoại gia tăng, thị trường bất động sản hai đầu Nam - Bắc đang bước vào cuộc đua thực sự để giành được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn đang hút vốn ngoại. Ảnh minh họa.
|
Nam - Bắc, đâu hấp dẫn hơn?
Nhìn nhận hoạt động thu hút vốn FDI trong thời gian gần đây, có một thực tế chúng ta đang thấy dường như bất động sản phía Nam đang được các nhà đầu tư ngoại ưa thích hơn?
Trong một buổi trao đổi ngắn với BizLIVE, ông Rechard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng có chung một nhận định như vậy.
“Nửa cuối năm nay, chúng tôi nghĩ vẫn theo xu hướng của 6 tháng đầu năm, tức là dòng vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều hơn Hà Nội”.
Hiện chưa có một thống kê chính xác nào để trả lời cho câu hỏi này, tuy nhiên nhìn vào cơ cấu dòng vốn FDI đổ vào các lĩnh vực kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014, sự chênh lệch đã thấy rõ.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực đầu tư bất động sản đã thu hút được 692 triệu USD, đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất.
Đáng chú ý, trong số những dự án bất động sản thuộc nhóm có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD, đa số là dự án được đăng ký tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Có thể kể đến như Dự án chung cư tại quận Bình Thạnh do Công ty TNHH Sun Wah Vietnam Real Estate Limited - Hồng Kong đầu tư 200 triệu USD;
Dự án xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê với tổng vốn đầu tư đăng ký 102 triệu USD do Công ty Antiaris Pte Ltd của Singapore liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước làm chủ đầu tư.
Khu nghỉ dưỡng Alma tại Khánh Hòa của Alma Group (Tập đoàn đến từ Israel) đầu tư 300 triệu USD; Dự án phức hợp VSIP Bình Hòa - Bình Dương của nhà đầu tư Singapore với số vốn xấp xỉ 100 triệu USD; Khu nghỉ dưỡng Flowers tại Cam Ranh (Khánh Hòa) do Công ty State Development (Nga) đầu tư 89 triệu USD.
Trong kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có tổng vốn lên tới hơn 1 tỷ USD vừa được Công ty Tổ chức nhà quốc gia (N.H.O - vốn đầu tư Hàn Quốc) công bố mới đây, phần lớn dự án cũng thuộc khu vực phía Nam như: TP.HCM, An Giang,…
Ở khu vực phía Bắc, mặc dù có khá nhiều đồn đoán về những siêu dự án tỷ đô sẽ đổ vào Quảng Ninh, Thanh Hóa… nhưng hiện theo quan sát của BizLIVE, hầu hết dự án vẫn chỉ mới dừng ở dạng quan tâm.
Trong đó, việc Công ty TNHH Limitless World (UAE) cam kết sẽ đổ vốn để hồi sinh dự án tổ hợp Ha Long Star (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD thu hút được khá nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ở phía Bắc chỉ có dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) được rót 234 triệu USD vốn đầu tư là đáng kể nhất.
Mặt khác, thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cũng cho thấy, bất động sản TP.HCM đang trở nên hấp dẫn hơn hẳn so với các lĩnh vực đầu tư còn lại.
Theo đó, báo cáo cho biết, nửa đầu năm 2014, vốn FDI đổ vào bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất trong các lĩnh vực kinh doanh tại TP.HCM.
Cụ thể, đã có 1,08 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào các dự án tại TP.HCM, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản có 5 dự án được cấp phép, vốn đầu tư khoảng 386 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng vốn FDI cam kết vào thành phố.
Tính lũy kế đến 20/6/2014, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI ở Việt Nam, với 423 lượt dự án, tổng vốn đầu tư 49,6 tỷ USD, vốn giải ngân 12,7 tỷ USD.
Riêng địa bàn TP.HCM, tính lũy kế cùng thời điểm trên, lĩnh vực bất động sản hút 243 lượt dự án, tổng vốn đầu tư 12,6 tỷ USD, chiếm 36,8%.
Phân khúc trong tầm ngắm
Cùng với đà hồi phục nhẹ của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI cũng đã quay trở laị với thị trường này.
Các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng ở Việt Nam vừa công bố cho thấy rõ, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm đã ghi nhận được một số tín hiệu tích cực.
Một kết quả nghiên cứu khảo sát gần đây do Tổ chức Tư vấn bất động sản quốc tế CBRE Việt Nam cho thấy, dựa trên quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, bất động sản, du lịch và khách sạn là ngành có mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhất hiện nay, chỉ đứng sau ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia về M&A cũng cho rằng, bất động sản sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại trong “làn sóng M&A thứ hai” giai đoạn 2014 – 2018.
Theo nhận định của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, việc sáp nhập, mua lại các dự án bất động sản có xu hướng mạnh hơn trong những năm tới.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia M&A khác cũng cho rằng, có một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt vẫn vật lộn với khó khăn, các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính cũng đã nhanh tay tiến hành đi thâu tóm các dự án tiềm năng, thậm chí cả những dự án “đất vàng” với giá hời.
Do đó, có lẽ trong vài năm tới, thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều thương hiệu, dự án trong lĩnh vực này “thay tên, đổi họ” do các nhà đầu tư ngoại thâu tóm để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia bất động sản, mức độ hấp dẫn cũng sẽ tùy thuộc vào khu vực và góc nhìn của nhà đầu tư ngoại.
Ông Rechard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định, trong nửa cuối năm 2014, dòng vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều hơn Hà Nội.
Bởi lẽ, theo phân tích của ông Rechard, các thống kê đều cho thấy, ở Hà Nội, trong cả thời gian dài, vẫn tiếp tục là địa phương thu hút lượng vốn FDI vào các dự án bất động sản khá khiêm tốn so với TP.HCM.
Mặt khác, TP.HCM cũng đang có triển vọng nguồn cung tốt hơn so với Hà Nội. Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong nửa cuối năm 2014, thị trường sẽ đón 11 dự án mới cung cấp hơn 100 nghìn m2. Dự kiến đến năm 2016, sẽ có hơn 390 nghìn m2 từ 27 dự án sẽ tham gia vào thị trường.
Tuy nhiên, ông Rechard cũng tiết lộ, một số dự án ở Hà Nội hiện vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Bởi lẽ, hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã mở rất nhiều nhà máy quy mô lớn tại khu vực miền Bắc, vì vậy mức độ quan tâm bất động sản ở Hà Nội hay khu vực gần Hà Nội được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE