Tín hiệu vui về FDI quý 1/2013 là việc vốn đăng ký đã dồn nhiều cho mảng sản xuất, thay vì dịch vụ và bất động sản như trong thời gian gần đây.
Trong quý 1/2012, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được lượng vốn FDI đăng ký lớn nhất, với 2 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD (chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký) - Ảnh minh họa.
|
Dựa trên báo cáo của các địa phương và số liệu thu thập được tới thời điểm hiện tại, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 22/3, cả nước có 191 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,927 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2012 và 71 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,1 tỷ USD, tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung quý 1, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Một chỉ tiêu quan trọng khác là vốn thực hiện cũng đạt khá khi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% với cùng kỳ năm 2012.
Trong quý 1/2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 84 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,539 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 249,84 triệu USD, chỉ chiếm gần 4,1% tổng vốn đầu tư.
Diễn biến này cho thấy sự khác biệt rõ nét so với quý 1/2012 khi lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được lượng vốn FDI đăng ký lớn nhất, với 2 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD (chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký), cao hơn con số 1,17 tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,159 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,278 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 156,99 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 28 tỉnh thành phố, trong đó với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,8 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 46,4% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,016 tỷ USD, chiếm 33,4% vốn đăng ký. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 385,97 triệu USD.
Quý 1 cũng là giai đoạn các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động đạt được các kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) dự kiến đạt 19,256 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 64,86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 17,361 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 58,48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 16,14 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm hơn 55,26% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực FDI đã xuất siêu 3,116 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu 481 triệu USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong quý 1/2013:
● Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD.
● Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử.
● Dự án khu phức hợp VSIP Bình Hòa – Bình Dương để đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành khu dân cư phức hợp cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh để bán và cho thuê với tổng vốn đầu tư 199,6 triệu USD.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy