So với mức giá tại thời điểm “sốt đất” khi có thông tin trung tâm hành chính của Hà Nội sẽ được di dời lên Ba Vì, hiện tại, giá đất khu vực phía Tây Hà Nội phổ biến chỉ còn một nửa.
So với mức giá tại thời điểm “sốt đất” khi có thông tin trung tâm hành chính của Hà Nội sẽ được di dời lên Ba Vì, hiện tại, giá đất khu vực phía Tây Hà Nội phổ biến chỉ còn một nửa.
Ghé thăm gia đình người quen tại thôn Tây Tựu, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi nghe được những tiếc thở dài “thườn thượt” của những người dân có đất vườn chưa kịp bán. Nếu vào thời điểm tháng 5/2010, đất vườn tại Tây Mỗ (cách Quốc lộ 32 khoảng 2 - 3 km) được bán với giá 700 triệu - 1 tỷ đồng/sào, thì nay chỉ còn 350 - 400 triệu đồng/sào. Thậm chí, một số gia đình cần bán gấp chấp nhận giá 300 triệu đồng/sào.
Đất vườn tại các huyện phía Tây Hà Nội, như Quốc Oai, Thạch Thất, cũng chịu chung tình cảnh này. Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đất vườn tại Thạch Thất tại những vị trí có đường ô tô vào tận nơi được rao bán ở mức 2 - 2,5 triệu đồng/m2.
Đất vườn tại các huyện An Khánh, Hoài Đức giảm 10 - 15%. Đặc biệt, đất tại nhiều khu vực của huyện Ba Vì - trung tâm của cơn sốt đất hồi tháng 5/2010 - hiện có nơi giảm đến 70% so với trước. Nhiều trung tâm môi giới nhà đất nay cửa đóng im ỉm vì không có khách mua. Những người đã trót “ôm” đất vào thời điểm sốt giá, nay đành “ngậm bồ hòn” đợi cơn sốt mới!
Cơn bão giảm giá đất vườn cũng “hoành hành” tại các khu vực Bắc Thăng Long - Nội Bài, Mê Linh, Đông Anh… So với thời kỳ “sốt cao”, đất nền khu vực Bắc Thăng Long - Nội Bài đã giảm trung bình 2 - 3 triệu đồng/m2, còn khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2. Đất nền tại Mê Linh còn khoảng 5 - 6 triệu đồng/m2, thay vì 9 - 10 triệu đồng/m2 vào thời điểm sốt giá.
Lý giải về sự “nhạy cảm” thái quá của thị trường đất nền tại Hà Nội, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty Hoà Phát Land cho rằng, đó là hệ quả của sự làm giá quá mức của giới đầu cơ đất Hà Nội. “Việc Quốc hội không thông qua chủ trương di dời trung tâm hành chính lên Ba Vì, cũng như cảnh báo về tình trạng sốt ảo của cơ quan chức năng đã tác động mạnh đến tâm lý người dân và thị trường trở nên nguội lạnh. Việc thị trường đất nền trầm lắng là hệ luỵ tất yếu của một chu kỳ tăng nóng”, ông Hà nói.
Một nguyên nhân khác được các nhà đầu tư bất động sản chỉ ra, là việc Chính phủ “cởi trói” cho các dự án nhà cao tầng trong nội đô Hà Nội cũng như sự gia tăng mạnh mẽ các dự án nhà ở tại quận Hà Đông. Các dự án trong nội thành được khởi động trở lại cũng là lúc các nhà đầu tư phải tiếp tục đóng tiền vào dự án. Với việc siết chặt nguồn vốn vay đầu tư bất động sản của các ngân hàng như hiện nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải “xả hàng” ở khu vực ngoại thành để lấy tiền “nuôi” các dự án trong nội thành - nơi được kỳ vọng sẽ có mức sinh lời nhanh hơn và cao hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư