"Vỏ" hoành tráng, "ruột" xập xệ

Cập nhật 29/07/2010 10:10

Mặc dù sử dụng diện tích đất lớn, thu hút hàng triệu lao động, song các khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa được quy hoạch như một đô thị công nghiệp. Vì vậy, các KCN hiện nay thiếu nghiêm trọng nhà ở và hệ thống hạ tầng xã hội...

Mặc dù sử dụng diện tích đất lớn, thu hút hàng triệu lao động, song các khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa được quy hoạch như một đô thị công nghiệp. Vì vậy, các KCN hiện nay thiếu nghiêm trọng nhà ở và hệ thống hạ tầng xã hội. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho những dự án trên luôn là bài toán khó tìm lời giải.

Nhiều KCN thiếu đồng bộ


Khu nhà ở cho người lao động tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phan Anh

Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cả nước hiện có 223 KCN, trong đó có 171 KCN đã hoạt động, với tổng diện tích 57.300ha. Bên cạnh đó, các địa phương còn có hơn 650 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 30.000ha trong đó có những CCN quy mô lớn hàng trăm héc ta. Tuy nhiên, việc sử dụng đất xây dựng các KCN, CCN chưa được kiểm soát về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, các KCN, CCN đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Song, quy hoạch các KCN tập trung từ hơn 10 năm nay đã không được lập với cách nhìn nhận toàn diện như một "điểm dân cư công nghiệp" hay "đô thị công nghiệp". Từ đó dẫn đến việc các KCN - CCN tập trung thiếu cả nhà ở lẫn hạ tầng xã hội của một đô thị tương lai.

Đơn cử, tại Hà Nội, công nhân các KCN phải ở trong những khu nhà thuê không bảo đảm điều kiện sinh hoạt hình thành tự phát xung quanh các KCN, kéo theo những phức tạp phát sinh trong quản lý trật tự xã hội. Thành phố phải bỏ kinh phí xây dựng thí điểm một số khu nhà ở tập trung cho công nhân KCN thuê, nhưng do kinh phí hạn chế, số lượng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn này không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCN.

Theo Bộ Xây dựng, ước tính tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu mét vuông (vốn đầu tư 300-400 nghìn tỷ đồng). Riêng Hà Nội cần 5,5 triệu mét vuông, tương đương 110.000 căn hộ và 11.000 chỗ ở cho công nhân trong các KCN; TP Hồ Chí Minh cần khoảng 5 triệu mét vuông và hơn 50.000 chỗ ở cho công nhân thuê. Hiện, các địa phương đăng ký khoảng 130 dự án nhà ở thu nhập thấp và 71 dự án nhà ở công nhân KCN có nhu cầu vay vốn đầu tư. Song, mới có 24 dự án được khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 công nhân lao động tại các KCN sau khi hoàn thành.

Khai thông nguồn vốn cho dự án nhà ở công nhân


Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân KCN là vấn đề vốn đầu tư do chủ trương của Nhà nước là "gọi" xã hội hóa, mà không đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng này bằng ngân sách. Mặc dù Nghị Quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành và nhiều dự án đang được triển khai, các địa phương đã thúc đẩy tạo lập quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... song chủ trương trên chưa thể được thực hiện ngay trong thời gian ngắn. Gỡ khó về vốn cho DN, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu đề án thí điểm cho vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại một số địa phương trọng điểm. Bước đầu đã thống nhất thỏa thuận đợt 1 giải quyết cho vay vốn ưu đãi với 32 dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 11 dự án nhà ở công nhân KCN. Ngoài ra, các nguồn vốn huy động khác, như vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn đầu tư của DN nước ngoài, vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế... cũng được tiếp tục tìm kiếm, bổ sung để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN.

Liên quan đến vốn cho các dự án nhà ở xã hội, tại dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư, ngành chức năng đề xuất cho phép dự án nhà ở xã hội được vay tới 70% tổng vốn đầu tư trong thời hạn 12 năm. Cụ thể, mức vốn mà chủ đầu tư được xem xét vay đối với dự án nhóm A tối đa bằng 50% tổng mức đầu tư; với dự án nhóm B là 60% và nhóm C là 70%. Ngoài ra, các dự án còn được xem xét hỗ trợ sau đầu tư trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức hỗ trợ này được giao cho Bộ Tài chính quyết định, Ngân hàng Phát triển cấp hỗ trợ theo kết quả trả nợ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư bắt buộc phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước thì mới được xét hưởng ưu đãi vay vốn như trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới