Vĩnh Long: Hạ năng suất lúa, lấy đất làm khu công nghiệp

Cập nhật 17/05/2010 09:40

Để mở thêm khu công nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Long đã làm tờ trình gởi Thủ tướng Chính phủ, cho rằng năng suất lúa ở vùng này chỉ có 4,07 tấn/ha. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh này quả quyết...


Điều đáng nói là sau gần mười năm bỏ hoang, hiện nay KCN Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long chỉ mới lấp đầy 40% diện tích, nhưng là dự án xây dựng đô thị, chưa thấy dự án công nghiệp nào Ảnh: Hùng Anh
Để mở thêm khu công nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Long đã làm tờ trình gởi Thủ tướng Chính phủ, cho rằng năng suất lúa ở vùng này chỉ có 4,07 tấn/ha. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh này quả quyết: không có nơi nào trong tỉnh Vĩnh Long năng suất lúa đạt dưới 5 tấn/ha.

Tại tờ trình số 27 ngày 28.9.2009 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng hai khu công nghiệp hiện hữu là Hoà Phú và Bình Minh với tổng diện tích 254 ha đã và đang hết chỗ cho các nhà đầu tư, trong khi tiêu chuẩn đất để xây dựng khu công nghiệp của tỉnh còn đến 1.925ha. Do đó, UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm năm khu công nghiệp gồm: Hoà Phú 2 tại huyện Long Hồ hơn 137 ha, Đông Bình huyện Bình Minh 350 ha, Bình Tân huyện Bình Tân 700 ha, Tân An Hưng huyện Bình Tân 550 ha và An Định huyện Mang Thít 200 ha.

Trước đó, vào tháng 3.2008, văn phòng Chính phủ có công văn thông báo không phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định. Một công văn của bộ Kế hoạch và đầu tư vào tháng 4.2008 yêu cầu Vĩnh Long giải trình hiện trạng sử dụng đất, so sánh năng suất lúa của khu vực quy hoạch khu công nghiệp với toàn tỉnh. Tại tờ trình số 27, UBND tỉnh Vĩnh Long xác định năng suất lúa trên đất nông nghiệp ở tất cả các khu vực xin mở khu công nghiệp đều là 4,07 tấn/ha, thấp hơn năng suất lúa bình quân toàn tỉnh năm 2008 là 5,05 tấn/ha.

Ngay sau khi nội dung tờ trình này được công bố, dư luận rất bất bình vì năng suất lúa ở các khu vực quy hoạch làm khu công nghiệp bị... giảm đột ngột. Ông Nguyễn Văn Đối, nông dân canh tác hơn 10.000 m2 ruộng ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình (huyện Bình Minh), người sắp bị mất trắng đất đai để nhường chỗ cho khu công nghiệp, bức xúc: “Năm năm gần đây vùng này canh tác một năm ba vụ lúa, vụ đông xuân năng suất 7 tấn/ha ăn chắc, vụ hai và vụ ba không khi nào dưới 5,5 tấn/ha”. Tại một báo cáo sản xuất trong tháng 3.2010 của UBND xã Đông Bình, ông Nguyễn Văn Trung, phó chủ tịch ký, xác nhận năng suất lúa vụ đông xuân đã đạt 7 tấn/ha. Ngày 11.5.2010, một lãnh đạo của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Long xác nhận: trong 68.000 ha đất trồng lúa của Vĩnh Long, không vùng nào có năng suất dưới 5 tấn/ha/vụ.

Theo nội dung tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Long, sau khi quy hoạch thêm năm khu công nghiệp tỉnh này chỉ bị mất hơn 1.000 ha đất trồng lúa. Với năng suất 4.07 tấn/ha, sản lượng lúa bị mất không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực và hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tính toán của ngành nông nghiệp sở tại cho thấy sản lượng lúa của tỉnh này sẽ giảm hơn 15.000 tấn/năm. Quan trọng hơn, khi năm khu công nghiệp mọc lên sẽ có hơn 2.300 gia đình nông dân với hơn 10.000 người sẽ mất trắng đất đai.

Cuối tháng 3.2010, tỉnh Vĩnh Long khởi công xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Hoà Phú 2 với tổng vốn đầu tư 438 tỉ đồng. Tại lễ khởi công, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nói đây là vùng đất hiếu hoà, trù phú, đầu tư kinh doanh vào đây chắc chắn sẽ thành công mỹ mãn. Nhưng ngay sau đó hàng trăm gia đình nông dân đã phản đối, không nhận tiền đền bù với lý do đất trồng lúa năng suất cao bị biến thành năng suất thấp để thu hồi.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị