Sau đợt kiểm tra kéo dài 2 tháng, đoàn công tác liên ngành kiểm tra các khu nhà ở tái định cư (TĐC) trên địa bàn TPHCM đã kiến nghị UBND TP đề nghị các quận - huyện khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở...
Tiến độ cấp giấy chủ quyền nhà đất cho người tái định cư ở TPHCM còn chậm.
Sau đợt kiểm tra kéo dài 2 tháng, đoàn công tác liên ngành kiểm tra các khu nhà ở tái định cư (TĐC) trên địa bàn TPHCM đã kiến nghị UBND TP đề nghị các quận - huyện khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là GCN) cho các hộ dân đã trả hết tiền mua căn hộ hoặc nền đất mà không cần chờ bổ sung đủ hồ sơ pháp lý.
Đoàn kiểm tra cho biết trong tổng số 19.872 căn hộ và nền đất đã có quyết định bố trí TĐC, đến nay, UBND các quận - huyện đã cấp 6.030 GCN/7.391 căn hộ và nền đất của các hộ đã trả hết tiền. Tiến độ này được xem là chậm do vướng thủ tục cấp GCN, phát sinh cơ chế quản lý hay công tác chỉnh lý trên GCN.
Đoàn kiểm tra nhận định tình hình mua bán suất TĐC diễn biến khá phức tạp, dưới nhiều hình thức. Một số quận - huyện còn báo cáo dè dặt về chuyện này, chưa dám khẳng định tình hình sang nhượng suất TĐC mà chỉ thống kê sự khác biệt về người thực tế sử dụng và người được bố trí TĐC.
Một số nơi còn căn cứ vào hình thức ủy quyền nhận nhà để thống kê. Quận 2 được xem là nơi có tỉ lệ người dân mua bán, sang nhượng suất TĐC lớn với tỉ lệ 29%, quận 11: 28%, quận Bình Thạnh: 26%, quận 8 và huyện Bình Chánh: 23%. Tổng cộng 5 quận - huyện này đã chiếm 90% số trường hợp sang nhượng suất TĐC của TP.
Theo đoàn kiểm tra, việc chuyển nhượng căn hộ và nền đất khi chưa trả hết tiền mua trả góp hoặc mua bán suất TĐC đã tác động trực tiếp lên chính sách TĐC đang thực hiện. Các quận - huyện cho biết một số người đứng ra thu gom suất TĐC đã tác động lên chính sách bồi thường hiện tại để sinh lợi, trong khi người dân không được hưởng gì thêm.
Một trong những vướng mắc mà đoàn kiểm tra ghi nhận từ quận - huyện là việc UBND TPHCM có thông báo (ngày 31-3-2009) chỉ đạo ngưng tạm ứng ngân sách mua lại quỹ nhà TĐC mà phải sử dụng nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng và việc mua lại quỹ nhà TĐC.
Theo báo cáo của các quận - huyện, từ năm 1995-2009, TPHCM đã xây dựng 1.093 dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 166.000 hộ dân. Trong đó, hơn 61.000 hộ có nhu cầu TĐC và TP đã bố trí TĐC cho hơn 23.500 hộ.
Các dự án có số hộ giải tỏa lớn như chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 7.000 hộ, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm - hơn 12.000 hộ, dự án nâng cấp đô thị TP (2003-2010) - 2.151 hộ... TPHCM cũng đã đầu tư xây dựng, mua lại tổng cộng 147 dự án, đưa vào sử dụng trên 25.500 căn hộ và nền đất, trong đó có gần 18.000 căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động