Việc chuẩn bị đã gần hoàn tất

Cập nhật 07/12/2009 08:05

“Hiện phôi giấy mới và phần mềm viết giấy đã được chuyển giao cho các địa phương. Việc tập huấn cho cán bộ địa chính các tỉnh, thành cũng đã được thực hiện”...

Người dân sẽ không phải chạy qua chạy lại liên hệ hai, ba nơi mà đó là việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

“Hiện phôi giấy mới và phần mềm viết giấy đã được chuyển giao cho các địa phương. Việc tập huấn cho cán bộ địa chính các tỉnh, thành cũng đã được thực hiện”. Lãnh đạo Cục Đăng ký và Thống kê đất đai - Tổng cục Quản lý đất đai thông tin về sự chuẩn bị cho việc cấp giấy mới cho nhà đất theo Nghị định 88/2009 (có hiệu lực từ 10-12-2009).

TP.HCM: Chỉ chờ đến giờ “G”

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Sở vẫn tiếp nhận, thụ lý hồ sơ giấy hồng thuộc thẩm quyền cho đến ngày 10-12, sau đó sẽ chuyển hồ sơ để Sở TNMT giải quyết tiếp. Sở đang gấp rút giải quyết những hồ sơ đã nhận trước ngày 1-12, nếu đủ điều kiện sẽ cấp giấy ngay để đỡ mất công người dân.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Thông tin TNMT và Đăng ký nhà đất (thuộc Sở TNMT TP) Phạm Ngọc Liên khẳng định mọi công tác chuẩn bị cho việc cấp một giấy đã hoàn tất. Sở TNMT đã phân bổ 180 ngàn giấy chứng nhận mới cho các quận, huyện. Việc tập huấn kỹ thuật thể hiện thông tin trên giấy cũng đã xong. Ông Liên cho biết thêm, trình tự thủ tục hoặc loại giấy tờ nào được công nhận đã được Nghị định 88 và Thông tư 17 hướng dẫn cấp một giấy quy định rất rõ. Đối chiếu với các nghị định hiện hành thì thủ tục đăng ký thế chấp, xóa thế chấp quyền sử dụng đất cũng đã được quy định đầy đủ. Vì vậy, TP.HCM chỉ cần ban hành một văn bản quy định cụ thể thời hạn giải quyết các loại hồ sơ chứ không cần ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 54/2007. Văn bản trên sẽ được UBND TP ký ban hành vào đầu tuần này để các cơ quan cấp giấy thực hiện.
 

Người dân sẽ đỡ phải tới lui khi làm thủ tục cấp giấy mới. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD


Ông Liên còn cho biết hiện Phòng TNMT 20/24 quận, huyện trên địa bàn TP đang thụ lý việc cấp giấy hồng. Do đó, việc chuyển qua giấy mới chỉ là thay đổi hình thức cấp giấy chứ không đổi cơ quan cấp. Sở TNMT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để giải quyết những vướng mắc liên quan đến nhà. “Người dân sẽ không phải chạy qua chạy lại liên hệ hai, ba nơi mà đó là việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau” - ông Liên khẳng định.

Hà Nội: Đầu năm sau sẽ nhận giấy mới

Trong đợt triển khai Nghị định 88 và Thông tư 17 của Bộ TNMT (cuối tháng 10-2009), lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định mẫu giấy chứng nhận mới kế thừa hai mẫu giấy chứng nhận cũ. Tất cả giấy tờ đã cấp trước 10-12 vẫn còn giá trị pháp lý trong các giao dịch đất đai. Những người có nhu cầu cấp mới hoặc chuyển quyền, chuyển nhượng, mua bán, thừa kế... khi làm thủ tục sẽ được chuyển sang cấp giấy mới và không phải nộp lệ phí. Hồ sơ đã nộp không phải làm lại.

Tuy nhiên, ở Hà Nội, mọi việc không phải đã hoàn toàn suôn sẻ. Ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội, cho biết: “Phần mềm viết giấy do Bộ TNMT chuyển giao không phù hợp khi áp dụng tại Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội sẽ phải làm một phần mềm khác, trong đó lưu giữ được thông tin đã viết trên giấy”.

Phó Giám đốc Sở TNMT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết phải đến ngày 15-12 Hà Nội mới mở đợt tập huấn (kéo dài năm ngày) cho trên 1.300 cán bộ địa chính ở xã phường, quận huyện. Trong đợt tập huấn này có nội dung về công tác cấp giấy mới cho nhà đất. Dù vậy, TP Hà Nội cũng đã kịp ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy mới cho nhà đất trên địa bàn TP.

Theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Hội, vì những yếu tố trên nên có thể đến đầu năm 2010 TP Hà Nội mới có thể trao giấy mới cho người dân, tổ chức.

Trong khi đó, ông Trần Huy Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Đà Nẵng, cho biết: “Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn về việc cấp giấy mới cho cán bộ địa chính cấp phường xã, quận, huyện. Đến ngày 10-12, Đà Nẵng sẽ cấp giấy mới nhà đất cho người dân”. Tuy nhiên, ông Vinh cũng tỏ ra băn khoăn vì giấy mới có nhiều nội dung hơn giấy cũ. Ngoài nội dung chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở như trước, giấy mới còn bổ sung hai loại tài sản được chứng nhận là công trình xây dựng và rừng trồng. Thêm vào đó, giấy mới lại có cả mã vạch. “Đây là những nội dung mới nên cán bộ bước đầu sẽ gặp khó khăn vì phải làm quen” - ông Vinh nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP