Vì sao qua 7 lần "phẫu thuật", Hà Nội vẫn chưa hóa rồng?

Cập nhật 12/09/2011 14:10

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ), vậy nhưng quy hoạch đô thị vẫn còn 15 bất cập để buộc phải lập Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Liệu Hà Nội có hóa rồng khi thực hiện quy hoạch lần thứ 7?

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ), vậy nhưng quy hoạch đô thị vẫn còn 15 bất cập để buộc phải lập Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Liệu Hà Nội có hóa rồng khi thực hiện quy hoạch lần thứ 7?

Đồ án quy hoạch Hà Nội đang được hy vọng là động lực giúp Hà Nội hóa rồng

6 lần điều chỉnh vẫn chưa hoàn thiện


Trong lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội tính đến thời điểm Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 7/2011 đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ).

Theo đó, năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ giúp Việt Minh lấy lại miền Bắc Việt Nam, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào thời điểm được tiếp quản, thành phố gồm 4 quận nội thành với 34 khu phố, 37.000 dân và 4 quận ngoại thành với 45 xã, 16.000 dân. Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, Hà Nội nhiều lần thay đổi về hành chính và địa giới.

Năm 1958, bốn quận nội thành bị xóa bỏ và thay bằng 12 khu phố. Năm 1959, khu vực nội thành được chia lại thành 8 khu phố, Hà Nội cũng có thêm 4 huyện ngoại thành. Tháng 4/1961, Quốc hội quyết định mở rộng địa giới Hà Nội, sát nhập thêm một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Toàn thành phố có diện tích 584 km², dân số 91.000 người. Ngày 31/5/1961, bốn khu phố nội thành Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và 4 huyện ngoại thành Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm được thành lập.

Khu vực Hồ Gươm xưa.

Ngày 21/12/1978, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng hai huyện của tỉnh Vĩnh Phú là Mê Linh, Sóc Sơn. Dân số Hà Nội lên tới con số 2,5 triệu người.Bên cạnh lượng dân cư các tỉnh tới định cư ở thành phố, trong khoảng thời gian từ 1977 tới 1984, Hà Nội cũng đưa 12.861 hộ, 21.587 nhân khẩu tới Lâm Đồng theo chính sách xây dựng kinh tế mới.

Năm 1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, trả lại 5 huyện và 1 thị xã đã lấy của Hà Sơn Bình năm 1978 cho Hà Tây và Mê Linh được nhập vào Vĩnh Phúc. Hà Nội còn lại 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên 924 km².

Ngày 29/5/2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1/8/2008.

Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.

Sau một số lần điều chỉnh quy hoạch khu vực Hồ Gươm như thế này.

Ngày 11/12/2008, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông trước đây và thành phố Sơn Tây cũng được chuyển thành thị xã Sơn Tây.

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch đô thị như vậy, nhưng theo đánh giá của TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, điều chỉnh quy hoạch nhiều nhưng bóng dáng của điều chỉnh quy hoạch đã không xuất hiện trong thực tế.

Lần thứ 7 liệu có là sự bứt phá ngoạn mục

Theo phân tích của Viện Quy hoạch đô thị, 15 tồn tại trong xây dựng phát triển đô thị và những vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch là lý do chính của việc hình thành Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.

Đó là: Chưa hình thành được các trung tâm đô thị có tầm cỡ để tổ chức các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô như các không gian văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ nhân dân Thủ đô và trong vùng; Dự báo quy mô dân số và phân bố dân cư hợp lý cho Hà Nội vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch bảo tồn và cải tạo Đô thị lõi lịch sử gồm Khu phố cổ, phố cũ và các di sản, di tích khác; Giải quyết các áp lực đô thị hóa đang ngày một gia tăng làm ảnh hưởng đến hệ thống di sản văn hóa và cảnh quan của Hà Nội, quỹ đất nông nghiệp.

Định hướng giải quyết trên 750 dự án đầu tư xây dựng đang rà soát và cập nhật; Khai thác nguồn tài nguyên sông, hồ của Hà Nội cho phát triển đô thị và kiểm soát việc thoát nước và lũ lụt của thành phố chủ yếu tập trung ở địa bàn tỉnh Hà Tây cũ trước khi sáp nhập; Phát triển hành lang sông Hồng, tạo dựng hình ảnh cảnh quan chính của thành phố; Hệ thống giao thông đô thị cần được tiếp tục nâng cấp và mở rộng; Hạ tầng kỹ thuật & hạ tầng xã hội đô thị tiếp tục nâng cấp và mở rộng; Lựa chọn địa điểm xây dựng các trụ sở hành chính các bộ ngành nhằm giảm tải mật độ xây dựng trong nội đô và định hướng lựa chọn địa điểm Trung tâm hành chính quốc gia mới theo tầm nhìn sau năm 2050.

Xác định vị trí xây dựng các KCN chủ lực và phát triển kinh tế vùng; Giải quyết các vấn đề quá tải cho các dịch vụ y tế, giáo dục ở khu vực nội đô; Đề xuất các chương trình nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu xã hội; Tìm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng; Thiết lập công cụ quản lý đô thị

Và Hà Nội với các kiểu nhà không theo quy hoạch và rất hiếm hoi màu xanh.

Sự kỳ vọng lớn lao của người dân và những nhà quản lý đặt cả vào đồ án Quy hoạch này, nhưng liệu những kỳ vọng đó có trở thành hiện thực trong thực tế hay không, hay sẽ lặp lại giống như 6 lần trước đó?

Theo bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị đang được giao thực hiện Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết: "Đối với Thành phố Hà Nội, từ năm 1954 đến nay đô thị đã phát triển gấp nhiều lần so với trước, và đều phát triển dựa trên các quy hoạch được phê duyệt, xác định cho từng thời kỳ. Các Quy hoạch sau được duyệt đều mang tính kế thừa các quy hoạch trước và bổ sung các vấn đề mới phù hợp với quá trình phát triển của Thành phố".

Nhưng với một khối lượng công trình khổng lồ phải thực hiện dần dần của Đồ án quy hoạch chung Hà Nội cho thấy nếu làm không khéo Hà Nội sẽ không khác gì một phố huyện?. Về điều này, bà Ngân nói: “Công việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung là nhiệm vụ phải làm ngay với sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý, tư vấn, các nhà đầu tư và cộng đồng xã hội. Quá trình hình thành và phát triển để có bộ mặt đô thị tốt không chỉ do quy hoạch mà nó còn phụ thuộc vào năng lực quản lý, các nguồn lực đầu tư… Thủ đô Hà Nội đã có những bài học và kinh nghiệm giải quyết vấn đề này”.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia