Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản lọt vào danh sách "đen" nợ thuế?

Cập nhật 08/07/2015 13:41

Kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã bị đưa vào diện cảnh báo, bị kiểm soát, và nay lại nằm trong danh sách bị nợ thuế.

Kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã bị đưa vào diện cảnh báo, bị kiểm soát, và nay lại nằm trong danh sách bị nợ thuế.

Cục thuế Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo công khai danh tính của 23 doanh nghiệp nợ đọng thuế với giá trị lớn. Đây mới chỉ là danh sách công bố đợt 1 nhưng tổng số tiền thuế nợ đọng của các doanh nghiệp trong danh sách này đã lên đến hơn 1 nghìn tỷ đồng (1.234.404.172.580 đồng).

Có thể thấy nhận thấy, hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách nợ đọng thuế mà Tổng cục Thuế Hà Nội vừa công bố đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Thị trường bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, giao dịch trầm lắng trong những năm vừa qua khiến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xây dựng lao đao, số lượng sản phẩm tồn kho tăng cao.


Thị trường BĐS trầm lắng, nhiều dự án xây dựng dở dang chưa bán được khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian dài.  Ảnh: TN

Trong số 23 doanh nghiệp nợ thuế, có 2 doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là CTCP Xây dựng Công trình ngầm (mã chứng khoán: CTN – HNX) và CTCP Coma 18 (mã chứng khoán CIG – HSX) với mức thuế nợ đọng lần lượt là 23,92 tỷ đồng và 36,49 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, CTN vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2015, nhưng theo báo cáo tài chính quý I/2015, CTN lỗ 4,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2014 lỗ hơn 8 tỷ đồng). Nguyên nhân được xác định là do trong kỳ phát sinh khoản chi phí tài chính 3,38 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 57%.

Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2014, cổ phiếu CTN đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 08/04/2015. Hiện cổ phiếu CTN đang được giao dịch quanh mức giá 3.400 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu CIG của Coma 18 cũng chỉ mới được giao dịch trở lại từ giữa tháng 3/2015 sau thời gian bị kiểm soát. Báo cáo tài chính quý I/2015 cho thấy Coma 18 lỗ 2,9 tỷ đồng trong quý I. Trong năm 2014, Coma 18 lỗ 63,6 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu CIG đang được giao dịch quanh mức giá 2.000 đồng/cp.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, CTCP Nam Vang cũng có mặt trong danh sách nợ thuế lần này với tổng số tiền thuế nợ đọng là 26,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, cổ phiếu NVC của Nam Vang đã bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội do kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp: 2011, 2012, 2013.

Đáng chú ý, đứng đầu trong danh sách này chính là "ông lớn" Sông Đà Thăng Long (STL) với số tiền thuế nợ đọng cao nhất, lên đến 375,23 tỷ đồng. Cổ phiếu STL đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán chưa niêm yết (Upcom) và có mức giá chỉ 2.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 07/07/2015).

Theo báo cáo thường niên năm 2014, Công ty CP Sông Đà Thăng Long lỗ nặng gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2014, lỗ lũy kế hợp nhất lên đến 1.484 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 1.306 tỷ đồng. Với kết quả này, tại ĐHCĐ năm 2015, Sông Đà Thăng Long chỉ dám đưa ra kế hoạch doanh thu 2015 là 180 tỷ đồng và không hề đưa ra kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015.

Tương tự như STL, cái tên Cavico đã từng làm mưa làm gió trên TTCK những năm 2006, 2007, thế nhưng thời gian gần đây, không mấy ai còn nhớ đến tên cổ phiếu này vì đã bị hủy niêm yết. Thương hiệu Cavico cũng dần biến mất khi các công ty Cavico không còn duy trì website giới thiệu về mình. Với số nợ ngân hàng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, do vậy cũng không gây bất ngờ khi trong danh sách nợ thuế lần này, có tới 4 công ty thuộc “họ” Cavico nằm trong danh sách này gồm: CTCP CAVICO xây dựng cầu hầm (nợ 80,48 tỷ đồng tiền thuế CTCP CAVICO xây dựng thuỷ điện (54,86 tỷ đồng); CTCP CAVICO Điện lực và Tài nguyên (29,23 tỷ đồng); và CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (21,9 tỷ đồng). Tổng số tiền thuế do 4 doanh nghiệp này nợ đọng đã lên đến 186,49 tỷ đồng, con số này vẫn thua xa so với Công ty CP Sông Đà Thăng Long.

Không kém cạnh, "dòng họ” Viglacera cũng có góp mặt 3 doanh nghiệp gồm: CTCP Viglacera Hà Nội (88 tỷ đồng); CTCP Cơ khí & Xây dựng viglacera (50,2 tỷ đồng); và Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera - Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera (39,9 tỷ đồng).


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet